Hương Sơn - một miền quê trù phú nằm sát dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi có nhiều rừng rậm, đồi núi, ruộng đồng và thung lũng đan xen. Trong cuốn Phong thổ ký các huyện ở Hà Tĩnh có ghi: “Vùng đất Hương Sơn có núi Hùng Sơn phụ ở phía sau, có núi Kê Sơn đối mặt ở đằng trước, núi Đại Hàm chuyển về Nam thành sa hổ, núi Thiên Nhẫn vòng lên phía Bắc thành Sa Long, các nhà phong thủy cho đây là một thế đất tinh tú vô cùng” hội tụ của bốn phương đất trời.

Đất linh thiêng…

Nằm ẩn mình dưới chân núi Thiên Nhẫn với nhiều huyền thoại đất và người. Núi có 999 ngọn nhấp nhô như một bức tranh, nơi đây Lê lợi và Nguyễn Trãi đã chọn xây thành lũy chống giặc Minh xâm lược cho đến ngày thắng lợi và lập nên triều đại Hậu Lê Triều (1428-1789). Trải dài trên vùng đất từ dãy Thiên Nhẫn cho đến chân núi Đại Hàm, núi Kê Quan (Mồng gà) là nơi lưu giữ nhiều kiến trúc văn hóa tâm linh tín ngưỡng đa sắc màu của cộng đồng cư dân.

Những khối đá tại thành Lục Niên (dãy Thiên Nhẫn)

Cũng như cư dân của mọi miền đất nước, tục thờ thành mẫu là một khát vọng của người dân. Cũng vì lẽ đó mà nhân dân trong vùng đã gửi gắm tâm linh của mình vào một hòn đá thiêng gọi là Thạch Bàn Nhẫn nằm trên núi Phượng Hoàng (một phần của dãy Thiên Nhẫn) bên bờ sông Ngàn phố. Nơi đây người dân thường xuyên đến thắp hương rồi dần dần trở nên linh ứng. Ngoài thờ Thạch Bàn Thiên Nhẫn họ còn thờ thêm tam tòa thánh mẫu Liễu Hạnh. Liễu hạnh công chúa linh thiêng đã trở thành Thành hoàng bảo trợ cho người dân làng Văn Giang mà nhân dân thường gọi là đền Đức Mẹ. Vào ngày 03/3 âm lịch lễ hội giỗ Mẫu được cả hai làng Văn Giang và Thịnh Xá tổ chức vào giờ Dần. Vật tế là hoa quả, thực nhục. Làng đã chọn những cụ ông mẫu mực, con cháu hiếu thảo làm chủ tế với nhiều hoạt động hát bội, hát ví, thi bơi thuyền sôi nổi nhằm thảo mãn nhu cầu tâm linh của người dân.

Phía ngoài cổng đền Đức Mẹ.

Đến với Hương Sơn chúng ta không chỉ biết đến là một vùng rừng núi mà ở đây nông nghiệp lúa nước cũng rất phát triển kết hợp với nghề đánh cá của các “Làng chài ”. Vì vậy, dân gian có câu: “ Giàu nhất là vạn Đỗ Gia, thứ hai vạn Phố, thứ ba vạn Nầm” . Cuộc sống của những người dân sông nước gặp nhiều khó khăn, rủi ro nên họ đã tin tưởng vào đấng siêu nhiên phù hộ, Họ đã chọn thần rắn làm thành hoàng làng và điện thánh Tam Lang là nơi người dân gửi gắm tâm linh. Vì vậy, tại đền Phúc Lai xã Sơn Bằng hàng năm vào ngày 6/6 dân làng ở đây mở hội cầu mưa và tấu trình rằng:

Mồng sáu tháng sáu không mưa/Thắp hương, đốt nến tâu về thượng thiên/Trần gian điên đảo, đảo điên/ Đồng khô cỏ cháy mạ chất đầy trên trưa/ Long thần thổ địa xin thưa/ Ngọc Hoàng thượng đế làm mưa cứu người/ Ngọc Hoàng thượng đế nhận lời/ Lệnh cho thần sấm, thần mưa đùng đùng/Mưa to, gió lớn, bão bùng/ Ào ào nước đổ tràn về đồng quê/ Dân làng áo mũ chỉnh tề/ Làm lễ hạ giá cho dân cấy cày/ Cảm ơn thủy tế long vương độ trì.

Đạo học hành vươn lên tầm trí tuệ là một khát vọng mãnh liệt của người dân Hương Sơn: trong các câu chuyện tại đền Bạch Vân xã Sơn Thịnh được lưu truyền lại đến ngày nay rằng khi ông Đinh Nho Công khoảng 30 tuổi, một hôm ông vừa chợp mắt thấy mình đang đi cày ở vùng Cồn Lây bổng gặp một bà lão đi đến dáng người đức độ thanh nhã, gặp ông bà lão rất đỗi vui mừng cúi chào: “ Xin chào ngày Đô Ngự Sử ”, rồi bà lão bảo: “ Theo tôi Ngài nên về lo việc bút nghiên thì tốt hơn, về sau sự nghiệp sẽ hiển hách, ở nhà đi cày sẽ phí mất một nhân tài của đất nước ”. Nói xong bà lão biến mất. Sau đó ông bèn đem chuyện kể cho mẹ nghe, bà rất mừng và chuẩn bị cho con theo học. Dịp may đã đến, Đinh Nho Công đã kết bạn được với một nho sinh học giỏi, thông minh lỗi lạc. Sau 3 năm đèn sách miệt mài đến ngày hẹn bạn cùng đi thi, ông nằm mơ thấy trên đường đi thi thì gặp lại ông Trần Toản cưỡi con ngựa trắng. Gặp nhau hai người vui mừng và Trần Toản nói: “ khoa thi này chỉ có mình chú đi thi còn ta đã về trời hơn một tháng rồi. Bài vở chúng ta đã ôn thi kỹ, chú cứ thế mà làm bài. Phen này ta mừng cho chú đậu Tiến sỹ, nhưng đậu rồi đừng quên ơn ta. Sau này chú làm cho ta một ngôi đền ở làng Thịnh Xá để qua lại với nhau nhé”. Đây là câu chuyện minh chứng về một vùng đất hiếu học, một tình bạn thủy chung giúp nhau trong học hành và đền đáp công ơn cho nhau khi đã thành danh mà hàng trăm năm nay người dân vẫn rất ngưỡng mộ và noi theo.

Đền Bạch vân .

Tại đền Gôi Vị xã Sơn Hòa thờ một vị nữ thần tiết nghĩa gọi là “ Bà Tiết phụ” mà người dân nơi đây đã gửi gắm vào một niềm tin về người phụ nữ Việt Nam can đảm, Đức - Hiếu - Nghĩa với nhiều câu chuyện kể còn đọng mãi với thời gian. Bà Tiết chính tên là Phan Thị Viên, bà là vợ bé của Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, ông làm quan mất khi đi sứa sang Trung Quốc năm 1715. Bà Viên nhận được tin chồng mất đã thắt cổ tự vẫn theo chồng. Triều đình biết tin đã rất khâm phục liền phong cho bà là tiết phụ và lệnh cho làng Gôi Vị lập đền thờ để bốn mùa thờ tự.

Coi trọng mối quan hệ bang giao giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Kim Cương, tại xã Sơn Kim 1 để thờ vị thần đã có công vun đáp mối quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Tại ngôi đền, thờ vị thần Đức Ba Phong Hạch Trạch Linh Thông Uy Hùng Dũng Đức Huy Quận Đại Vương tên thật là Phạm Tân, người xã Phúc Dương, tổng Hữu Bằng nay là xã Sơn Phúc. Dưới triều vua Minh Mệnh đất nước có nhiều biến đổi. Để củng cố nền quốc phòng nhà vua đã cử Ông sang đất nước Ai Lao để mua voi chiến nhưng trên đường về một toán cướp trong rừng đã chặn đánh, Ông bị trọng thương và được nhân dân các bộ tộc Lào hết lòng cứu chữa nhưng vì vết thương quá nặng Ông đã  hy sinh. Được tin, triều đình đã lấy làm thương tiếc ban sắc phong cho ông và cho nhân dân lập đền thờ gọi là miếu Đức Ông (hay đền Đức Ông) để ghi nhận một con người tận tâm, tận lực, trung quân ái quốc, phò vua giúp nước xây dựng mối tình đoàn kết thủy chung giữa hai dân tộc. Ngày nay, mỗi khi đi qua ngôi đền này nhân dân hai nước không quên vào đền thắp hương tưởng niệm “ Đức Ông” với lòng thành kính để cầu mong cho mối tình đoàn kết thủy chung của hai dân tộc đời đời bền vững.

Trên khắp các thôn quê của địa bàn Hương Sơn ở đâu cũng có đền, đình, miếu thờ các thần linh và các danh nhân đã có công với dân, với nước. Cho đến nay đã có 45 di tích được xếp hạng, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp tỉnh, 01 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tụ khí….

Hương Sơn là vùng đất được hòa quyện giữa chất đất và khí trời để kết tinh thành những sản vật lắng đọng hồn quê ít nơi nào có được. Nhắc đến Hương Sơn nhiều người đều biết đến suối nước nóng Sơn Kim được phun từ lòng đất qua các khe nứt của đá Granit có nhiệt độ ở độ sâu 50m là 150ºC và ở bề mặt là 75ºC, đây là một trong những mỏ nước khoáng tốt nhất phía Bắc Việt Nam có tác dụng về nhiều mặt. Khi ngâm tắm trong nước khoáng, các vi lượng có sẵn trong nước sẽ tác dụng vào tế bào da, giúp duy trì trạng thái cân bằng của cơ thể và giảm “stress”, thích thú khi cảm nhận hơi nóng từ giữa dòng suối phun lên. Ở đây ta có thể ủ trứng gà dưới lớp cát nóng hay trong nước khoáng nóng, trứng sẽ chín để ta thưởng thức bên dòng suối. Tại vùng đất này đã hình thành nên một danh thắng  đẹp - nơi có thác Cá Nhảy với nhiều sự tích dân gian, thác Tiên Nữ dội thẳng đứng từ trên cao tung bọt trắng xóa bên cạnh những tảng đá tự nhiên với nhiều hình dáng các con vật khác nhau hòa quyện với nhiều cảnh đẹp của núi rừng, trèo đèo lội suối hay ngâm mình trong nước khoáng nóng để thư giản và chữa bệnh. Từ ngàn xưa dân gian đã có câu dân ca: “ Muốn cho da thịt hồng hào/ Thì lên nác Sốt, thì vào khe Sinh”.

Những bãi đá độc đáo ở suối nước nóng (Sơn Kim)

Cây trái Hương Sơn có một hương vị đặc trưng mang hương sắc của chất  đất và sự tinh khiết của khí trời. Đến đây ta sẽ được nhấm nháp bát nước chè xanh vừa mới om thơm phức và ngẫm nghỉ đến câu thơ: “ Chè xanh thêm chút gừng cay/Cu Đơ thơm ngọt đắm say lòng người” để rồi từ đây bao nhiêu câu chuyện bàn tán về nhung hươu – một sản phẩm truyền thống độc đáo của Hương Sơn có chất bổ dưỡng không nơi nào có được. Theo các chuyên gia của Công ty quốc tế Trustlaw (Tru lô) sở dĩ nhung hươu Hương Sơn có hàm lượng protein và các chất vi lượng cao vì ở đây có các loại cây cỏ có hàm lượng chất xơ và các chất vitamin khác cao nên nhung hươu có màu hồng hào, mập và giàu chất dinh dưỡng hơn ở những nơi khác. Ở đây còn có nhiều sản vật của quê hương như trái cam bù, bưởi đường, quýt đỏ, mật ong rừng và các loại chuối tiến có vị thơm ngọt để tiến vua. Cam bù là một loại đặc sản riêng biệt nó có vị ngọt ngọt chua chua, tép to bóng và mềm, mọng nước ăn ngon, ai đó bị cảm cúm dùng cam bù chấm ruốc để giải cảm thì thật là tuyệt.

Cam bù Hương ​Sơn

Cũng ở tại mảnh đất này còn có nhiều đặc sản các món ăn ẩm thực nổi tiếng mà trong Nam, ngoài Bắc ở đâu cũng có bảng hiệu dê núi Hương Sơn hay con cá mát sông Ngàn Phố đã trở thành các món ăn khó quên của những ai đã một lần đến với Hương Sơn.

Dòng Ngàn phố chạy dọc chiều dài của huyện đã hình thành nên những xóm làng yên ả với đồng lúa, bãi ngô, nương dâu, đồi chè xanh biếc một màu đã đi vào các câu ca đầy tự hào: “ chè Hương Sơn lá xanh nước chát/ Lụa Hương Sơn đẹp mát lòng người/Bốn mùa gạo trắng cá tươi/Khuyên em về đó kẻo một mai tiếc thầm”

Tụ nghĩa…

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, với nét đặc thù của vùng rừng núi, người dân nơi đây thường xuyên phải chống đỡ với thú dữ và các trận cuồng phong của thiên nhiên nên đã hình thành tính cách con người nơi đây một đức tính cần cù, lòng quả cảm, ý chí kiên cường bất khuất quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Vì vậy, trải qua các cuộc khời nghĩa, thủ lĩnh của các nghĩa quân đã tìm về vùng đất này để “ tìm đất đứng chân ”, quy tập binh sỹ và dựa vào sức mạnh của nhân dân để kháng chiến chống giặc ngoại xâm.

Khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do Lê Lợi cầm đầu đã tập hợp anh hùng hào kiệt khắp nơi đứng lên chống giặc, nghe  theo lời hiến kế của tướng Nguyễn chích, Lê Lợi đã tiến vào vùng đất Đỗ Gia là vùng đất rộng, người đông và có “Nghĩa khí” để phát triển lực lượng chống giặc Minh Xâm lược. Tại đây, nghĩa quân Lam Sơn đã được nhân dân tích cực ủng hộ - người anh hùng thủ lĩnh của nghĩa quân “ Cốc Sơn” Nguyễn Tuấn Thiện đã cắt tiết ngựa trắng ăn thề với Lê Lợi và Nguyễn Trãi dưới gốc cây thị ở  xóm Nậy, xã Sơn Phúc để mở những trận chiến đấu oanh liệt ở cửa Khuất Giang (núi Nầm) và trận “ Sấm vang, chớp dật” ở bến Đỗ Gia (Sơn Tân), dấu tích của các trận chiến còn được lưu giữ lại ở đền Trúc (Sơn Tân), Thành Lục Niên ở dãy núi Thiên nhẫn, các doanh trại ở động Hoa Tiên (núi Hoa Bảy) cho đến năm Thuận Thiên thứ I (1427) giặc Minh bị quyét sạch , Lê Lợi lên ngôi đế vương, Nguyễn Tuấn Thiện được phong làm Đô Tổng quân phó nguyên soái và được liệt vào hàng khai quốc công thần.

Trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê (1885-1896) mà đỉnh cao của phong trào Cần vương do Phan Đình Phùng lãnh đạo. Cao Thắng - một vị tướng trẻ tuổi, tài cao  ở xóm Nhà Nàng, thôn Yên Đức, xã Tuần Lễ, tổng An Ấp, nay là xã Sơn Lễ đã có gần 10 năm cùng với Phan Đình Phùng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Sau một vài trận tập kích và chống càn ở vùng núi Vũ Quang, Hương Khê thất bại, Phan Đình Phùng cho quân rút về làng Phùng Công (Hương Sơn) để bảo toàn lực lượng. Đến đầu năm 1887, thấy thực lực nghĩa quân Hương Khê quá yếu, Phan Đình Phùng đã giao quyền chỉ huy cho Cao Thắng để ra Bắc đến các tỉnh Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh,...tìm sự hỗ trợ và liên kết lực lượng.

Ở lại Hà Tĩnh, Cao Thắng cùng các chỉ huy khác như Cao Nữu, Cao Đạt, Nguyễn Niên đem quân đến làng Lê Động (Hương Sơn) để tổ chức lại lực lượng, luyện quân, xây dựng hệ thống đồn lũy, rèn đúc vũ khí và nghiên cứu chế tạo súng, bổ sung thêm vũ khí để đánh giặc. Trong một trận tập kích của thực dân Pháp ở đồn Nu (xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương) Cao Thắng bị thương nặng và hy sinh khi mới 29 tuổi

Hương Sơn là vùng đất lành nên nhiều tướng võ, văn thần tìm về nơi đây dựng nghiệp. Vào năm Thời thuộc Minh đầu thế kỷ XV, cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan từ Bình Lãng Thượng lên ẩn ở vùng Kẻ Tàng, chiêu dân lập ấp, dựng nên xã Trại Đầu (Ân Phú) và nhiều thôn nay thuộc xã Sơn Long, Sơn Trà. Thái bảo Nguyễn Đức Ly - con trai công thần khai quốc nhà Lê, Nguyễn Lỗi từ Thanh Hóa về Đỗ Gia khoảng 1470-1480, lập lên làng Bảo Thịnh, xã Dương Trai (Sơn Bình). Năm 1530 tổ họ Đinh Nho ở Gôi Mỹ là Đinh Phúc Diên, gốc Ninh Bình. Họ Tống Trần ở Gôi Mỹ có Tiến sĩ Tống Tất Thắng ở Nghệ An cũng đã tìm về mảnh đất Sơn Hòa để sinh sống. Hà Huy Quang từ Thanh Hóa đã về xã Sơn Thịnh lập lên thôn xóm ở Thịnh Xá. Thượng thư Bộ binh Lê Mậu Tài sau khi từ quan từ kinh đô Thăng Long đã chọn vùng Thịnh Xá, tổng Yên Ấp , huyện Hương Sơn để sinh sống và lập nên dòng họ Lê tại xã Sơn Thịnh;  Năm 1746 Đại danh y hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác từ quê cha ở Hải Dương đã theo mẹ về xã Tình Diệm (Sơn Quang) để sinh sống, làm thuốc và viết nên những tập sách nổi tiếng Hải thượng y tông tâm lĩnh 28 tập 66 quyển và trở thành bậc Đại danh y hàng đầu của đất nước; Năm 1746 Đô chỉ huy sứ Nguyễn Điều - anh trai của Đại thi hào Nguyễn Du đã từ bỏ quan trường, ông không về xã tiên Điền, huyện Nghi Xuân mà tìm về vùng Kẻ Trùa nay thuộc xã Sơn An huyện Hương Sơn sinh sống lập nên dòng họ Nguyễn tại đây; Nguyễn Khắc Kinh, quê gốc Hà Đông vào Thanh, Nghệ, về sau, con cháu còn xuống ở làng Gôi Mỹ; Đào Quang Oánh - con trai Đào Quang Nhiêu, trấn thủ tại Nghệ An (gốc Hà Đông) về Hương Sơn dựng nghiệp thế kỷ XVII, là thủy tổ các chi họ Đào Mân Xá, Hữu Bằng, Phố Châu…

Nơi hội tụ ngững con người tài hoa, sáng tạo…

Địa danh Hương Sơn được sử sách ghi chép và được ví như một vùng ‘Núi thơm”- nơi đây đã hội tụ những con người tài hoa sáng tạo.

Là vùng đất gắn liền với rừng rậm và đại ngàn, người dân nới đây xưa đã quen với nghề săn bắn thú vật và hái lượm, đào củ, hái quả cây rừng sinh sống, qua thời gian họ đã bắt Hươu sao về thuần hóa và nuôi trong các hộ gia đình. Nghề nuôi hươu ở huyện Hương Sơn được hình thành từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Nuôi hươu sao vừa để lấy lộc nhung làm thuốc tẩm bổ sức khỏe, vừa là thú chơi điền viên. Ngày nay con hươu sao đã trở thành sản phẩm chủ lực của Hương Sơn góp phần xóa đói giảm nghèo trong cuộc sống.

Nhung hươu Hương Sơn

Đại danh y hải thượng Lãn ông Lê Hữu Trác sinh ra và lớn lên ở quê nội xã Liêu xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng yên, lớn lên tham gia quân ngũ nhưng do chán cảnh binh đao của triều chính và sự bế tắc của con đường làm quan đã tìm về quê mẹ ở xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn mang theo những tinh hoa của hai vùng đất, hai nền văn hóa có bề dày truyền thống là văn hóa Kinh Bắc và văn hóa xứ Nghệ. Về Hương Sơn sinh sống, bước chân của Ông đã in dấu trên mọi nẻo đường để nghiên cứu và tình kiếm các vị thuốc từ cỏ, cây, hoa, trái của vùng đất này và đã sưu tầm được 300 vị thuốc Nam, tổng hợp thêm 2.854 phương thuốc quý chữa bệnh cho nhân dân và đưa những cây cỏ vô danh của niềm đất Hương Sơn vào trong sách lưu truyền cho muôn đời, đó là bộ sách “Hải thượng y tông tâm lĩnh” đã được Ông dày công biên soạn gần 40 năm gồm 28 tập 66 quyển được xem như cuốn Bách khoa toàn thư Y dược học Việt Nam có giá trị nhất từ thời trung đại đến nay.

Ở xã Mỹ Hoà, huyện Hương Sơn xưa, nay là xã Sơn Thịnh có ông Cu Hai là tiểu thương chuyên buôn trầu. Thấy nghề buôn trầu khó nhọc, lời lãi chẳng bao nhiêu, ông đã chuyển sang nghề nấu kẹo lạc sau đó ông đã nghĩ ra cách nấu kẹo Cu Đơ.

Để chế biến ra kẹo cu đơ Ông đã chọn bánh đa vừng được quạt qua than hồng vàng thơm không bị quá lửa, lựa chọn những hạt lạc tròn căng mộng không bị sâu lép, vỏ lụa màu hồng, mật mía phải đỏ, đậm đặc không có cặn và không được bồi. Nấu kẹo lạc phải khéo léo đun lửa bằng bếp củi, khi kẹo lạc vừa dẻo cho thêm ít lát gừng thái nhỏ. Sau đó đổ vào bánh đa đã nướng giòn và gói vào giấy báo cho vào túi bống để cất giữ được lâu. Ăn kẹo Cu Đơ ta sẽ tận hưởng được mùi thơm đậm của mất mía, lạc giòn vừa bùi, vừa béo sau đó uống với bát chè xanh đậm đặc thì nhớ mãi không quên. Ngày nay nghề nấu kẹo Cu Đơ đã thành làng nghề của cả một vùng ở tỉnh Hà Tĩnh.

Tại xã Sơn Tân có làng nghề mộc Xa Lang nổi tiếng với những con người tài hoa đã làm nên những công trình đình, chùa, đền thờ với những lát đục, lát chàng chạm khắc các con vật rồng, phượng và muôn thú với những đường nét tinh tế và uyển chuyển của những nghệ nhân làng mộc truyền thống; Làng Thịnh xá có nghề đan, nghề làm quạt giấy nổi tiếng một thời.

Làng ngề đan Sơn Thịnh

Ở vùng đất này từ xa xưa các tầng lớp nhân dân đã tổ chức khai khẩn đất đai, truyền bá văn hóa và dạy học cho dân. Ở giai đoạn thế kỷ XV-XVII đã xuất hiện những làng học nổi tiếng như: Yên Ấp, Dương Trai, Hữu Bằng. Đời Lê có 6 vị đỗ tiến sĩ: Nguyễn Kính Hài ở Tân Ốc đỗ khai khoa (1478), Nguyễn Tử Trọng ở Yên Ấp (1502), Nguyễn Văn Lễ ở Dương Trai (1650), Đinh Nho Công ở Yên Ấp (1670), Nguyễn Thủ Xứng ở Dương Trai (1683), Đinh Nho Hoàn ở Yên Ấp (1700). Vào đời nhà Lê có 4 người đỗ hương cống thì 3 người ở làng Hữu Bằng và 1 người ở Yên Ấp. Đời Nguyễn có 5 vị đậu tiến sĩ: Đinh Nho Điền (1875), Nguyễn Khắc Niêm (1907), Nguyễn Xuân Đán (1918) và 2 vị đậu phó bảng: Nguyễn Quán (1868), Lê Kinh Thiền (1913) và 11 vị đại khoa, 2 Hoàng giáp và 48 cử nhân.

Dưới chế độ mới, Hương Sơn là mảnh đất có nhiều người trở thành các nhà chính trị, quân sự, văn hóa, khoa học nổi tiếng; có người trở thành chính khách cao cấp của Đảng, Nhà nước như  Ủy viên viên Bộ Chính trị Lê Minh Hương, Lê Xuân Tùng (khóa VIII), Ủy viên Ban Bí thư Trần Cẩm Tú (khóa XII); nhà văn hóa nổi tiếng như Nguyễn Khắc Viện…; nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tướng lĩnh quân đội nhân dân Việt Nam, các nhà trí thức, nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực, đến nay toàn huyện có 129 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ.

Tự hào về cội nguồn truyền thống văn hiến, tự lực, tự cường, yêu nước và cách mạng với những giá trị và bản sắc riêng để tiếp thêm sức mạnh, tạo nên động lực mới cho mỗi người con quê hương trên khắp mọi miền đất nước mỗi khi nhắc đến “Hương Sơn”./.

Lê Nhật Tân


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 9.112.897
Trong năm: 965.718
Trong tháng: 125.552
Trong tuần: 20.844
Trong ngày: 4.139
Online: 89