Hòa chung khí thế sôi nổi của cả nước chào mừng những ngày lễ lớn của dân tộc: kỷ niệm 47 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2022); 136 năm ngày quốc tế lao động 1/5 (1/5/1886 – 1/5/2022); kỷ niệm 118 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2022 và 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 – 19/5/2022). Tất cả đang hướng về cội nguồn tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập dân tộc.

 Hôm nay, ngày 11 tháng 5 năm 2022 cán bộ, giáo viên và hơn 80 em học sinh khối 6 trường THCS Phan Đình Phùng tìm về địa chỉ đỏ khu di tích lịch sử mộ cụ Phan Đình Phùng và nhà trưng bày lưu niệm, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú và ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ để tìm hiểu và thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trong các cuộc kháng chiến để giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Các em chuẩn bị lên xe hành trình tìm về địa chỉ đỏ

 

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là khu mộ cụ Phan Đình Phùng, nơi mà ngôi trường các em đang theo học được vinh dự mang tên trường THCS Phan Đình Phùng. Vào những ngày tháng 5 lịch sử, ấn tượng đầu tiên với đoàn là màu xanh bạt ngàn của cây cối trên đồi Nê Sơn nơi đặt khu mộ Cụ, thuộc làng Đông Thái, xã Tùng Ảnh, huyện Đức thọ. Đâu đó là tiếng chim hót líu lo, những hàng cây rợp bóng mát như xua tan cái nắng chói chang của mảnh đất miền Trung, khiến không gian yên bình đến lạ thường.

Con đường đi lên khu lăng mộ cụ Phan Đình Phùng

 

Khu mộ gồm 2 phần: Phần mộ ở gần đỉnh đồi và tấm bia ghi chép về thân thế, sự nghiệp của Phan Đình Phùng ở phía dưới. Cụ Phan Đình Phùng sinh ra và lớn lên ở làng Đông Thái, huyện La sơn (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức thọ) trong một gia đình nho học. Trong thế kỷ XIX, ông là sĩ phu nho giáo nổi bật bậc nhất tham gia vào các chiến dịch quân sự chống Pháp. Là một nhà nho yêu nước nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lâm nguy, năm 1885 cụ đã tập hợp nghĩa quân phất cao cờ khởi nghĩa đánh thực dân Pháp xâm lược. Từ một lực lượng nhỏ bé, trong vòng mấy năm vừa chiến đấu vừa xây dựng đã phát triển thành một lực lượng mạnh mẽ bao gồm mấy nghìn tướng sĩ hoạt động rộng khắp bốn tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình. Trong lúc cuộc chiến đấu còn tiếp diễn, ngày 28 tháng 12 năm 1895, do mắc bệnh nặng, cụ Phan Đình Phùng đã qua đời tại bản doanh núi Quạt. Không lâu sau cái chết của ông, cuộc khởi nghĩa do ông phát động hoàn toàn bị trấn áp. Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng trở thành một trong những cuộc khởi nghĩa lớn nhất của phong trào Cần Vương chống Pháp lúc đó.

Các em hăng say tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp cụ Phan Đình Phùng tại tấm bia đá

Khu mộ đã sạch sẽ sau khi được thầy cô và các em chăm sóc quét dọn

 

Về với địa chỉ đỏ khu mộ cụ Phan Đình Phùng các em được tìm hiểu, được chăm sóc khu di tích và trả lời các câu hỏi về thân thế sự nghiệp của Cụ. Sự chiến đấu anh dũng quên mình của các tướng sĩ yêu nước là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay và mãi mãi về sau noi theo.

Các em được tìm hiểu về cụ Phan Đình Phùng ngay tại khu mộ của Cụ

Kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương thơm tưởng nhớ cụ Phan Đình Phùng

 

Xúc động, tự hào và không thể cầm được nước mắt khi tạm biệt khu mộ cụ Phan Đình Phùng. Đoàn chúng tôi tiếp tục đến nhà trưng bày lưu niệm, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú.

Trần Phú là vị tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam. Lời căn dặn của đồng chí “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã được Đảng, Nhà nước lấy làm tiền đề xây dựng ý chí cách mạng cho Đảng và Tổ quốc. Đảng cộng sản Việt Nam, dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ ơn công lao, ý chí, tinh thần quật cường của đồng chí Tổng Bí thư. Ông là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực cách mạng phi thường cho lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam noi theo.

Chín mươi mốt năm đã trôi qua kể từ ngày Tổng Bí thư Trần Phú vĩnh biệt chúng ta, nhưng những ký ức về cuộc đấu tranh hào hùng, oanh liệt của những người cộng sản trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, không bao giờ phai nhạt trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân và thế hệ thiếu nhi.

Thắp nén hương thơm tưởng nhớ Cố Tổng Bí thư Trần Phú

 

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang chuyển mình để sánh vai với các cường quốc năm châu. Cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh trường THCS Phan Đình Phùng nguyện ra sức thi đua học tập, lao động sáng tạo xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ anh hùng liệt sĩ để có đất nước như ngày hôm nay.

Các em tìm hiểu tại nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Trần Phú

 

Qua buổi hoạt động trải nghiệm hành trình tìm về địa chỉ đỏ khu di tích lịch sử mộ cụ Phan Đình Phùng và nhà trưng bày lưu niệm, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, không những giúp các em hiểu biết hơn về lịch sử của địa phương, đất nước mà còn mang tính giáo dục đạo đức, kĩ năng sống, truyền thống yêu cách mạng, yêu quê hương, đất nước và niềm tự hào dân tộc. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục và thực hiện chương trình Phổ thông tổng thể năm 2018 nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, tăng cường các hoạt động trải nghiệm góp phần giúp học sinh “học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”, giáo dục kỹ năng sống, phát triển năng lực, phẩm chất ở người học.

Thiết nghĩ đây là một hoạt động đầy ý nghĩa bổ ích cần được phát huy. Kết thúc hoạt động ngoại khóa có rất nhiều bài thu hoạch của các em mà khi đọc không ai có thể cầm được nước mắt. Sự trưởng thành của các em trong nhận thức về lịch sử hào hùng của cha anh là thành công lớn của buổi hoạt động trải nghiệm đầy ý nghĩa thiết thực và xúc động này.

Các bài viết thu hoạch của các em sau buổi hoạt động trải nghiệm

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 8.554.180
    Trong năm: 1.432.945
    Trong tháng: 28.682
    Trong tuần: 29.701
    Trong ngày: 1.542
    Online: 599