Chiều ngày 6/7, UBND huyện Hương Sơn phối hợp với Liên hiệp hợp tác xã chứng chỉ rừng Tây Kim tổ chức hội nghị tổng kết công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022. Đồng chí Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện đã chủ trì hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị
Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là trên 22.000 ha tại 12 xã, thị trấn. Trong năm 2021, đã có 1.732 ha đủ điều kiện được cấp chứng chỉ rừng FSC, nâng tổng số diện tích rừng được công nhận quản lý rừng bền vững đạt tiêu chuẩn FSC là 4.030 ha.
Đại hiện Liên hiệp HTX CCR Tây Kim báo cáo hoạt động quản lý bảo vệ rừng và cấp chứng chỉ từng FSC
Liên hiệp HTX đã tích cực tìm kiếm các đối tác hợp tác phát triển, mở rộng nhóm chứng chỉ và ký hợp đồng liên kết với Công ty sinh khối Năng lượng VBE Hà Tĩnh đóng tại thôn Khe Cò, xã Sơn Lễ, để bao tiêu toàn bộ gỗ rừng trồng đạt chứng nhận FSC giúp Nhân dân yên tâm sản xuất, phát triển rừng bền vững.
Để đạt mục tiêu đặt ra đến hết năm 2022, sẽ có khoảng 7.000 ha rừng trồng keo trên địa bàn huyện được cấp chứng chỉ rừng FSC, Liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, khuyến khích Nhân dân trồng rừng gỗ nguyên liệu và chế biến gỗ xuất khẩu; Đồng thời, thu hút lao động địa phương tham gia các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm gỗ; Liên kết sản xuất, kinh doanh, bao tiêu sản phẩm để nhân dân yên tâm đầu tư sản xuất đúng quy định.
Các ý kiến tham luận tại hội nghị
Đồng chí Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện đề nghị các xã, thị trấn, liên hiệp HTX chứng chỉ rừng Tây Kim tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Hướng dẫn các hộ gia đình tuân thủ đúng quy trình trồng và chăm sóc; Chú trọng tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm gỗ rừng trồng cho người dân; Tăng cường kiểm tra việc trồng, khai thác rừng đảm bảo theo quy trình FSC, tránh sự tranh chấp đất rừng, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế một cách bền vững.