Trong những ngày tháng 8 lịch sử, ở Hương Sơn cũng như khắp mọi miền đất nước đều hoà chung một niềm vui hân hoan, tự hào với tinh thần thi đua sôi nổi. Nhìn lại 77 năm về trước, đó là khí thế cách mạng sục sôi, mạnh mẽ của đồng bào và chiến sĩ với quyết tâm giành lại chính quyền trong cả nước.

Ngày 13-8-1945, Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang, chính quyền tay sai của Nhật bị tê liệt. Thời cơ cách mạng đã đến.

 

 

Thi hành lệnh của Ủy ban khởi nghĩa liên tỉnh, ngày 17-8-1945, Huyện ủy lâm thời Hương Sơn tiến hành Hội nghị đại biểu Việt Minh toàn huyện tại làng Tứ Mỹ (Sơn Châu). Đồng chí Nguyễn Trọng Tạo, đại diện Ủy ban khởi nghĩa liên tỉnh dự và chỉ đạo, bàn kế hoạch giành chính quyền và lập Ủy ban khởi nghĩa huyện. Hội nghị quyết định việc khởi nghĩa giành chính quyền với phương châm: Lấy bạo lực chính trị của quần chúng làm lực lượng chủ yếu, có lực lượng vũ trang làm hậu thuẫn; đấu tranh kết hợp với thương lượng; lấy huyện trước, làng xã sau.

Hội nghị quyết định:

- Lấy làng Tình Diệm, làng ở gần Nhật trú quân vùng dậy giành chính quyền trước.

- Phát động quần chúng nhân dân trong toàn huyện biểu tình bao vây huyện lỵ Phố Châu, buộc huyện trưởng phải giao chính quyền cho Nhân dân, lấy đội du kích Tràng Sim làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh.

- Bắt giữ những tên tay sai thực dân, phong kiến có nợ máu với Nhân dân để ngăn chặn hành động phá hoại của chúng.

- Dời trụ sở làm việc của chính quyền cách mạng về làng Xuân Trì (An Lễ).

- Chia huyện ra làm hai vùng: vùng thượng huyện từ Hữu Bằng có nhiệm vụ tập trung tại Phố Châu để cùng với đội du kích chiến khu Tràng Sim giành chính quyền ở huyện và đồn Phố Châu; vùng hạ huyện gồm các làng thuộc khu vực I và II có nhiệm vụ tập trung tại Xuân Trì để tiếp đón chính quyền cách mạng dời về đây.

- Lấy ngày 19-8-1945, là ngày tổng biểu tình toàn huyện để giành chính quyền.

Đồng chí Trần Bình được cử làm chỉ huy cuộc biểu tình. Đồng chí Nguyễn Trọng Tạo làm chỉ huy đội du kích cùng hợp lực trong việc giành chính quyền huyện xong sẽ về giành chính quyền ở các làng.

Riêng đồn điền Sông Con, Nhật đóng giữ, cần có một lực lượng quần chúng đông đảo làm áp lực, có một lực lượng vũ trang mạnh làm hậu thuẫn thì việc giành chính quyền mới đảm bảo thắng lợi. Do đó, việc giành chính quyền ở đây sẽ tiến hành sau và do huyện phụ trách.

Hội nghị bầu Ủy ban khởi nghĩa huyện gồm 5 đồng chí: Trần Bình, Hồ Thị Nhiệm, Nguyễn Đình Xứng, Trần Chí Tín, Nguyễn Quang Tấn, do đồng chí Trần Bình làm Chủ tịch, sau này sẽ là Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện khi giành chính quyền về tay nhân dân.

Thực hiện kế hoạch khởi nghĩa, khắp các làng xã trong huyện chuẩn bị cờ, khẩu hiệu, toàn dân quyết tâm nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.

 Ngày 18-8-1945, khắp nơi trong toàn huyện đã tổ chức mít tinh, trống mõ vang dội. Trước sức mạnh của quần chúng, bọn hương lý ở Phúc Dương đã phải giao nộp sổ sách, triện bạ lại cho nhân dân. Chính quyền cách mạng do Chấp ủy Việt Minh đảm nhiệm đã tuyên bố thành lập ngay trong cuộc mít tinh.

Tại làng Tình Diệm, địa phương được chọn làm thí điểm của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đêm ngày 18-8-1945, thực sự là đêm hội của quần chúng nhân dân ở đây. Trong các xóm, trống mõ vang dội, cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, Nhân dân đổ về đình tập hợp theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu:

Đả đảo phát xít Nhật!

Đả đảo chính quyền bù nhìn tay sai!

Mặt trận Việt Minh muôn năm!

Việt Nam độc lập muôn năm!

Sau đó, nhân dân tập trung ở đình để chứng kiến việc hương lý giao nộp giấy tờ, sổ sách, các triện, trong đó có triện lý trưởng, đại hào, hương bộ, hương bản và xin Nhân dân tha tội chết.

Ủy ban khởi nghĩa thay mặt nhân dân tuyên bố bộ máy của chính quyền tay sai phong kiến vĩnh viễn bị xóa bỏ, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời xã được thành lập. Cuộc khởi nghĩa ở Tình Diệm giành được thắng lợi hoàn toàn. Để cổ vũ tinh thần đấu tranh của các tầng lớp Nhân dân trong huyện và tạo niềm tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng, tin thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Tình Diệm được Ủy ban khởi nghĩa huyện kịp thời lan truyền đi khắp nơi trong huyện ngay đêm ngày 18-8-1945.

Ngày 19-8-1945, diễn ra tổng biểu tình trong toàn huyện để giành chính quyền. Đúng 7 giờ sáng, quần chúng nhân dân từ Hữu Bằng kéo lên, từ Tình Diệm kéo xuống dọc đường số 8 thuộc địa phận Phố Châu. Với khí thế xung thiên, đoàn biểu tình trong tay cờ đỏ sao vàng tung bay, tạo thành một biển người từng lớp trong, ngoài kéo đến vây chặt đồn huyện Phố Châu. Quần chúng hô vang khẩu hiệu: Đả đảo Pháp, Nhật xâm lược; đả đảo Chính phủ bù nhìn; hoan hô Mặt trận Việt Minh vang dậy cả một vùng. Trong đồn huyện Phố Châu lúc đó có 7 tên Nhật. Trước thái độ nằm im của bọn Nhật, huyện trưởng, đồn trưởng phải đầu hàng vô điều kiện ngay giữa sân và chấp nhận giao nộp lại ấn tín cho Nhân dân. Lúc này, đồng chí Trần Đình Bé - Chỉ huy trưởng, cưỡi con ngựa bạch và cầm thanh kiếm dài chỉ huy hạ cờ ba que xuống, cờ đỏ sao vàng được kéo lên giữa những tiếng hoan hô nhiệt liệt, những tràng pháo tay vang dội kéo dài[1].

Theo kế hoạch đã định, đoàn biểu tình lại kéo xuống Xuân Trì để cùng Nhân dân ở vùng hạ huyện chung mừng thắng lợi. Đến đây, số người do hai đoàn hợp lại rất đông lên tới hàng vạn người. Trước đông đảo quần chúng Nhân dân toàn huyện, huyện trưởng đã tuyên bố trao trả chính quyền về tay Nhân dân.

Tiếp đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời gồm các đồng chí: Trần Bình, Hồ Thị Nhiệm, Nguyễn Đình Xứng, Nguyễn Quang Tấn đã ra mắt trước toàn thể nhân dân. Tiếng hô, tiếng vỗ tay lại vang dội như sấm dậy kéo dài không ngớt. Sự kiện này đánh một mốc son trong lịch sử, từ nay Nhân dân Hương Sơn có một chính quyền mới. Chính quyền cách mạng.

Sau đó hai ngày, các làng xã còn lại trong toàn huyện đều nổi dậy giành được chính quyền về tay nhân dân. Riêng đồn điền Sông Con, đến ngày 25-8-1945, sau khi ổn định xong bộ máy chính quyền ở các địa phương, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời huyện đã trở lại huyện lỵ Phố Châu chỉ đạo quần chúng nhân dân ở đây đánh chiếm đồn điền. Cuối cùng Nhật buộc phải trao trả chính quyền và xin được cấp phương tiện để rút về Vinh.

Cuộc khởi nghĩa ở Hương Sơn đã giành được thắng lợi. Đó là thắng lợi của ý chí kiên cường, bất khuất của Nhân dân; là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài đầy khó khăn, gian khổ và hy sinh lớn lao của các tầng lớp Nhân dân Hương Sơn, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân, phong kiến, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hương Sơn đã, đang và sẽ mãi mãi là nguồn động viên cổ vũ để Đảng bộ và Nhân dân Hương Sơn tiếp tục vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Hương Sơn trở thành huyện nông thôn mới bền vững, đô thị phát triển./.

 

Hoài Thương

(Theo Lịch sử huyện Hương Sơn tập 1 và Hồi ký của đồng chí Trần Chí Tín - xã Sơn Châu).

 

[1] Theo lời kể của ông Đào Xuân Thanh - Nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện, người trực tiếp được chứng kiến cảnh này.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.183.885
    Trong năm: 941.676
    Trong tháng: 118.167
    Trong tuần: 29.993
    Trong ngày: 1.375
    Online: 93