Giá trị văn hóa làng quê, văn hóa truyền thống có được là cả một quá trình gạn đục khơi trong, tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời cũng có thể khẳng định rằng, văn hóa làng quê là “cái lõi” căn bản của văn hóa dân tộc. Vì vậy, thời gian qua cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp huyện Hương Sơn luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là động lực, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; đạo đức, nhân cách, lối sống là giá trị cốt lõi của con người Hương Sơn cần phát huy, tạo nên nét đặc trưng riêng, là sức mạnh nội sinh quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Người Việt ta có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”, người dân ở các làng quê Hương Sơn họ không kể giàu nghèo, sang hèn, đã cùng chung sống trong một cộng đồng dân cư, là hàng xóm, láng giềng thì người dân đều có sự quan tâm, sẻ chia cùng nhau trong cuộc sống. Điều đó được thể hiện qua việc khi gia đình nào có việc hiếu, việc hỷ, tất cả các hộ trong thôn xóm, tổ dân phố không ai bảo ai đều cảm thấy có trách nhiệm phải góp tay, chung sức cùng gia chủ. Đặc biệt là câu chuyện văn hóa làng không chỉ dừng lại ở những câu chuyện bên ấm nước chè xanh, chuyện làng trên xóm dưới, chuyện đồng áng cho đến đại sự như xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đại hội Đảng, bầu cử các cấp... đều được bàn luận rất sôi nổi. Cũng từ đó, trách nhiệm của họ không chỉ thể hiện qua lời nói, mà đã biến thành hành động cụ thể khi người dân hiến hàng trăm, hàng ngàn m2 đất cho thôn, tổ dân phố đường; người dân trong thôn thì hăng hái đóng góp kinh phí, ngày công làm đường bê tông, các thiết chế nhà văn hóa...

Bên cạnh việc nỗ lực tập trung thu hút, xã hội hóa đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, du lịch, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để gia tăng giá trị nhằm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân. Hiện nay 23/23 xã đã đạt chuẩn NTM, hầu hết các xã đạt chuẩn là điểm sáng toàn diện về về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, phát triển kinh tế, an ninh trật tự đảm bảo. Có thể nhận thấy rằng việc quan tâm xây dựng các giá trị văn hóa làng quê được đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả nhất định, đã giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm nên bộ mặt nông thôn hiện đại mà vẫn mang đậm bản sắc văn hóa tốt đẹp ngàn đời cha ông để lại; đời sống văn hóa ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của quê hương được phát huy, các chuẩn mực văn hóa, đạo đức được duy trì; các phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả tích cực, thiết thực; truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được phát huy. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, nhất là việc xây dựng các thiết chế văn hóa. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; phong tục, tập quán tốt đẹp của quê hương được gìn giữ; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm, thiết chế văn hóa từng bước được hoàn thiện.

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ngày càng đáp ứng yêu cầu phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Hương Sơn đến với mọi miền đất nước. Đến nay, toàn huyện có 50 di tích được xếp hạng, trong đó 11 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh; lễ hội Hải Thượng Lãn ông được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia nên việc tổ chức Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được nâng tầm quy mô và hình thức tổ chức đã thu hút đông đảo người dân tham gia, nhiều trò chơi dân gian, nghi lễ cỗ truyền, các làn điệu dân ca đặc trưng đã được khôi phục thông qua các hoạt động của các CLB dân ca Ví giặm trên địa bàn. Các di tích lịch sử, công trình văn hóa được quan tâm phục hồi, tu bổ, các giềng làng, cổng làng được tôn tạo. Qua đó đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng, truyền thống văn hóa, nâng cao ý thức giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của quê hương cho các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông lê Hữu Trác.

         

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”  được triển khai phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội, chất lượng phong trào ngày càng được nâng cao. Đến nay, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 93,1%, có 240/241 thôn đạt danh hiệu văn hóa, đạt 99,5%, 3 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Phong trào văn hóa, văn nghệ - Thể dục, thể thao được tập trung chỉ đạo sâu sát, đặc biệt là Phong trào Toàn dân rèn luyên thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Gắn các hoạt động văn hóa, thể thao với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, với chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Tạo điều kiện để Nhân dân chủ động tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, ngày càng đáp ứng được nhu cầu của người dân.

                     Giải kéo co Nam, nữ (ảnh Minh Lý)

 

Hương ước, quy ước được bổ sung các nội dung phù hợp, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, có nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau nhằm đáp ứng yêu cầu trong xây dựng NTM. Từ đó đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, nhiều cá nhân làm ăn kinh tế giỏi. Các tệ nạn xã hội ngày càng được hạn chế và đẩy lùi, cảnh quan môi trường ở khu dân cư, các cơ quan, đơn vị ngày canh khang trang, sạch đẹp; gia đình hòa thuận, tình làng nghĩa xóm luôn được thắt chặt, tinh thần tương thân tương ái được củng cố và phát huy.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, ở các làng quê còn có một số hủ tục lạc hậu, thói hư, tật xấu, những biểu hiện vô cảm, vun vén cá nhân, phô trương trong việc cưới việc tang và lễ hội, ứng xử thiếu văn hóa, phai nhạt tình làng nghĩa xóm, cờ bạc, mê tín dị doan, vi phạm pháp luật đâu đó vẫn diễn ra. Từ đó nhiệm vụ giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa làng quê, văn hóa truyền thống của đất nước và con người Hương Sơn đòi hỏi phải thật sự quan tâm sâu sát và thực hiện tốt một số nội dung sau.

Thứ nhất, phải kế thừa và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đã kết tinh nên thuần phong, mỹ tục trong đời sống trong cộng đồng dân cư nông thôn ở Hương Sơn, đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, thủy chung, nghĩa tình; là tình làng nghĩa xóm, gắn bó tối lửa tắt đèn có nhau. Đồng thời chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, khơi dậy mạnh mẽ các giá trị văn hóa truyền thống trong từng làng, xã, từng mỗi gia đình, dòng họ và trong mỗi người dân nông thôn. Từ đó, xây dựng mối cố kết cộng đồng bền chặt, đề cao thuần phong, mỹ tục; giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi địa phương.

Thứ hai, làm tốt công tác trùng tu bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cơ sở tín ngưỡng tôn giáo gắn với giáo dục truyền thống, tổ chức tốt các lễ hội, hướng dẫn đời sống văn hóa tâm linh lành mạnh, chống mê tín dị đoan. Nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục các trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống như lễ hội Chợ Trâu, Chợ Bò; lễ hội Cầu mưa tại Đền phúc lai - xã Sơn Bằng; Lễ hội cầu khoa tại Đền Bạch Vân - xã An Hòa Thịnh...đồng thời bảo tồn, sưu tầm, truyền dạy các loại hình dân ca, nghệ thuật truyền thống nhằm làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.

Thứ ba, phát huy có hiệu quả giá trị văn hóa làng cần phải có những giải pháp căn bản chính là nội tại của mỗi làng, xóm. Ở đó, cần nâng cao trách nhiệm của người dân đối với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa làng, bởi người dân vừa là đối tượng hưởng thụ, vừa là những chủ thể sáng tạo văn hóa. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn hóa và xây dựng thiết chế văn hóa, nhân rộng những mô hình văn hóa gia đình, câu lạc bộ văn hóa làng, dòng họ đặc trưng của từng vùng miền… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng đội ngũ quản lý văn hóa, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Gia đình các cấp.

Thứ tư, cần có những cơ chế chính sách phù hợp nhằm huy động tối đa nguồn lực để xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa truyền thống đặc sắc gắn với văn hóa tiến bộ. Xây dựng và hoàn thiện các cơ chế quản lý thực hiện nếp sống văn hóa làng trong xây dựng nông thôn mới. Phục hồi, tôn tạo các di sản, điển tích văn hóa. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thiết chế văn hóa cơ sở phục vụ đời sống văn hóa cộng đồng.

Thứ năm, xác định bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng là điều kiện cần thiết ở mỗi làng quê trên địa bàn huyện, để văn hóa truyền thống được phát huy giá trị, mỗi làng quê cần chọn lọc những tinh hoa văn hóa, dựa trên nguyên tắc kế thừa, giao lưu và phát triển. Theo đó, “gạn đục khơi trong” để phát huy những yếu tố tích cực, lược bỏ các mặt hạn chế, làm cơ sở cho việc tiếp thu các giá trị văn hóa mới một cách thiết thực để bảo tồn đúng hướng các giá trị văn hóa làng truyền thống để xây dựng quê hương Hương Sơn ngày càng giàu đẹp văn minh và huyện đạt chuẩn nông thôn mới bền vững./.                                                              

                                                                    

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 8.879.754
    Trong năm: 1.112.516
    Trong tháng: 129.732
    Trong tuần: 29.912
    Trong ngày: 401
    Online: 56