Sáng ngày 29/11, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh – PCT TT UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2023; triển khai năm 2024. Chủ trì hội nghị trực tuyến điểm cầu huyện Hương Sơn có đồng chí Nguyễn Kiều Hưng – PCT UBND huyện.
Đại biểu tại các điểm cầu
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu huyện Hương Sơn.
Năm 2023, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp ước đạt trên 2,6%; tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 13.940 tỷ đồng (tăng 3,2% so với năm 2022); giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 97,5 triệu đồng/ha; tỷ trọng chăn nuôi chiếm trên 53% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 52,5%.
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai quyết liệt. 10 tháng qua, toàn tỉnh có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 8 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; dự kiến đến cuối năm có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, 12 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Trong 10 tháng, các địa phương công nhận thêm 41 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, dự kiến đến cuối năm có thêm 9 sản phẩm đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Toàn tỉnh có 287 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực và hình thành 40 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả áp dụng quy trình hữu cơ, theo hướng hữu cơ. Thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất theo Nghị quyết số 06, toàn tỉnh đã tăng thêm hơn 3.600 ha, nâng tổng diện tích phá bờ thửa nhỏ, thành thửa lớn đạt trên 10.669,63 ha, trong đó có trên 4.185,09 ha tập trung theo hình thức chuyển đổi ruộng đất...
Triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2024, Hà Tĩnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt trên 2,5%; tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh) đạt trên 14.300 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt hơn 100 triệu đồng/ha; sản lượng thịt hơi các loại xuất chuồng đạt 113.785 tấn; tổng sản lượng thủy sản đạt 58.697 tấn; tỷ lệ độ che phủ rừng duy trì ổn định trên 52,5%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó tỷ lệ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn đạt trên 70%. Phấn đấu đến cuối năm 2024 có thêm tối thiểu 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Toàn tỉnh cơ bản đạt các tiêu chí theo Quyết định số 321/QĐ-TTg để được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Đồng chí Nguyễn Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh trình bày báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Tại hội nghị, các đại biểu một số địa phương, doanh nghiệp kiến nghị tỉnh cần quan tâm phê duyệt, phân bổ kinh phí triển khai các chương trình ngay từ đầu năm để triển khai thuận lợi; hướng dẫn về tiêu hủy gia súc gia cầm; cấp vắc xin sớm để chủ động phòng dịch; tăng cường quản lý về giống; có hướng dẫn chung để các địa phương triển khai đấu thầu về giống; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp...
Tại huyện Hương Sơn, theo báo cáo của ngành nông nghiệp, sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2023 tiếp tục duy trì đà phát triển, đạt kết quả khá toàn diện, hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản theo giá hiện hành ước đạt 4.185 tỷ đồng, đạt 109,84% kế hoạch, tăng 3,58% so với cùng kỳ; sản lượng lương thực đạt 60.489 tấn (đạt 124,72% kế hoạch, tăng 5,12% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất bình quân/ha canh tác đạt trên 101,55 triệu đồng triệu đồng, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 73,5%, xây dựng và có thêm 02 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, xây dựng 12 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 4 vườn mẫu, 3 cụm dân cư “sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn – văn minh”, có 4 sản phẩm được đánh giá đạt hạng 3 sao; 03 sản phẩm nâng hạng lên 4 sao.
Kết luận hội nghị, đồng Nguyễn Hồng Lĩnh - chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, trên cơ sở chỉ tiêu định hướng, kế hoạch sản xuất năm 2024, các địa phương khẩn trương xây dựng đề án sản xuất theo mùa vụ và tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả.
Theo đó, các địa phương cần tiếp tục phát triển liên kết chuỗi sản xuất, mở rộng kinh tế hợp tác xã; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; sản xuất dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh; tuyên truyền, vận động thực hiện tốt chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất; tăng cường kiểm tra giám sát chăn nuôi; chấp hành thời vụ lịch gieo cấy...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh kết luận hội nghị.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng giao Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính rà soát đánh giá các kiến nghị của địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, sớm cấp nguồn triển khai các nhiệm vụ; hỗ trợ các địa phương tiếp cận, hấp thụ tốt các chính sách hỗ trợ, nhất là chính sách hỗ trợ tập trung, tích tụ ruộng đất... để phát triển nông nghiệp./.