Cụ sinh trưởng trong một gia đình khoa bảng quyền quý - “Thế phiệt trâm anh”. Quê ở Hưng Yên, nhưng đất lành chim đậu, cụ lập nghiệp tại quê mẹ Hương Sơn, Hà Tĩnh. Hải Thượng Lãn Ông mất ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (năm 1791). Linh mộ của Hải Thượng Lãn Ông được an táng tại chân núi Minh Từ. Nhân dân thường gọi là “Rú Cồn dài”, nằm trên bờ suối chảy ra sông Ngàn Phố. Huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) là vùng đất địa linh nhân kiệt.
Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Ảnh: hatinh.gov.vn
|
Hải Thượng- Lê Hữu Trác nói: “Y lý là một đạo lý, rất quan trọng đến tính mạng con người”. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với lòng quyết tâm, lại có trình độ uyên bác về y học, yêu nghề nghiệp, sau hơn 40 năm nghiên cứu, từ lý luận của Y lý Đông y, qua thực tiễn lâm sàng, cụ đã xây dựng bộ sách quý “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” là tài sản của nền Đông y Việt nam. Bộ sách không những có giá trị trong sự nghiệp của các thế hệ hôm nay, mà mãi mãi sau này…
Hôm nay chúng ta sống trong hoàn cảnh nước nhà độc lập, tự chủ đất nước đang phát triển và hội nhập, các thầy thuốc Đông y được phát huy mọi khả năng để phục vụ sức khỏe nhân dân.
Khác với Hải Thượng thời bấy giờ, nền văn hóa của ta đang chịu ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến Trung Hoa, nền Đông y chịu ảnh hưởng của nền Trung y Trung Quốc - xem “nghề thuốc là nghề bá đạo”. Họ cho rằng: “Đạo là tu tề trị binh, văn võ kinh luân”. Hải Thượng lại khẳng định rằng: “Đạo là khắp cả mọi sự vật trong trời đất, cái gì yên dân giúp đời là đạo, nghề thuốc trị bệnh cứu người, y học có tác dụng điều hòa khí hóa, bổ cứu âm dương, chế biến vạn vật, quan hệ đến khí hậu trời đất, tính mạng nhân dân, có thấu suốt được chân lý thiên văn, địa lý và nhân sự thì mới làm được thuốc. Làm thuốc có khác gì làm tướng”. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt trên mặt trận văn hóa lúc bấy giờ. Cụ đã nêu cao được giá trị và địa vị của nền Y học nước nhà đầy lý lẽ thuyết phục.
Về Y lý: Hải Thượng theo câu cách ngôn: “Muốn chữa bệnh cho thiên hạ phải tự chữa bệnh cho mình và cho đồng nghiệp trước, chữa bệnh cho thầy thuốc khó vạn lần người bình thường”.
Thời bấy giờ đa số thầy thuốc ỷ lại vào Trung y của Trung Quốc và thuốc bắc, xem thường thuốc nam, không phân biệt được khí hậu thổ nghi của Việt Nam mà dựng thuốc nam, lập phương pháp trị bệnh cho người Việt Nam. Hải Thượng không tán thành kiểu học hành và chữa bệnh một cách câu nệ và ỷ lại ấy. Cụ đã tự xây dựng một y lý biện chứng về lý luận âm dương, thủy hỏa, hàn nhiệt, hư thực.
Khu mộ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác luôn được người đời sau thành kính tôn thờ. Ảnh: hatinh.gov.vn
Cụ phân tích rất cụ thể để mọi người khi đọc sách của cụ là dễ hiểu. Hải Thượng đặc biệt chú ý giải thích và chứng minh một cách đầy đủ và kỹ lưỡng về tạng thận. Cụ cho rằng: Thận hỏa, hay chân hỏa, chi phối và nung nấu các tạng phủ và mạch lạc, trong toàn cơ thể của con người, và truyền đạt ra ngoài khí sắc, tinh thần. Thận hỏa giống như khí nóng của mặt trời, là nguồn gốc của sự sống. Hỏa vượng thì mạnh, hỏa suy thì yếu, hỏa diệt thì chết, nên khi dùng thuốc chữa bệnh Hải Thượng chú trọng về tạng thận.
Cụ nghiên cứu sâu về lý luận tiên thiên, hậu thiên của con người. Dựa vào thực tế sinh hoạt của nhân dân, và sự bẩm thụ của người Việt nam mà lập ra những phương thuốc hậu thiên Bát vị, hậu thiên Lục vị và bài Bổ thổ (bổ tỳ) cố trung… để chữa bệnh…
Hải Thượng thường nói: “Khí hậu phương Bắc, phương Nam khác nhau, cho nên người ta bị bệnh cũng không hoàn toàn giống nhau”. “Người làm thuốc cũng không nên cố chấp vào mấy pho sách Trung Quốc để chữa bệnh theo một phương pháp cố định. Mà phải tùy theo hoàn cảnh xã hội, thủy thổ, khí hậu, địa phương mà thay đổi phương thang cho thích hợp”.
Các thầy thuốc lúc bấy giờ khi thấy bệnh nhân sốt rét, nhức đầu thì cho là bệnh thương hàn, nên dùng bài “Ma hoàng quế chi” của Trọng Cảnh. Hải Thượng cho rằng: “Việt Nam ta ở vào xứ nhiệt đới gió mùa, không có thương hàn. Học phương pháp Trọng Cảnh nhưng không nên bó hẹp trong phương thang của Trọng Cảnh”. Qua thực tế Hải Thượng đã sáng tạo ra những phương: “Giải biểu và hòa lý” để điều trị. Đã nói rõ trong tập “Ngoại cảm thông trị”.
Hải Thượng là một người sáng tạo trong việc chữa bệnh, mục đích là để giải tỏa cho những thầy thuốc câu nệ cổ phương. Sau hàng trăm năm các thế hệ thầy thuốc Việt nam đã áp dụng các phương pháp chữa bệnh và phương thang của Hải Thượng, qua thực tiễn ngày nay đã chứng minh được lý lẽ của Hải Thượng là chuẩn xác, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và cơ địa bệnh tật của người Việt nam.
Về Dược: Thời bấy giờ các Y gia chỉ ỷ lại thuốc nước ngoài, nhất là thuốc Bắc. Nếu không có tiền mua thuốc Bắc thì khi có bệnh, bệnh nhân chỉ ngồi than thở “Gia bần vô dược nhất bất trị giã” Có nghĩa là nhà nghèo không có thuốc thì không chữa được bệnh. Còn thuốc Nam thì rất nhiều, rất rẻ, chữa bệnh rất hay nhưng không biết sử dụng. Đến như pho “Nam dược thần hiệu” của Tuệ Tĩnh cũng ít người chú ý. Họ đã thiếu đi tinh thần tự lực cánh sinh. Để khắc phục những tư duy sai lầm của các thầy thuốc Đông y lúc bấy giờ. Hải Thượng đã đặc biệt quan tâm dùng thuốc Nam thay thế thuốc Bắc. Như lấy sâm bố chính thay thế Nhân sâm, lấy Hà thủ ô để làm thuốc bổ khí huyết, dùng lá ngải để chữa sốt rét, dùng Hương phụ để làm thuốc điều kinh…
Hải Thượng đã đặc biệt quan tâm dùng thuốc Nam thay thế thuốc Bắc.
|
Hải thượng đã biên tập thành từng bộ sách như: “Lĩnh Nam bản thảo” “Bách gia trân tàng”, “Hành giản trân nhu” có đầy đủ lý luận và hướng dẫn cụ thể phương pháp khai thác và sử dụng thuốc Nam. Điều đó nói lên tinh thần sáng tạo, tự chủ, tinh thần tự tôn dân tộc, vì sức khỏe nhân dân của Hải Thượng.
Về tư cách, đạo đức của người thầy thuốc, Hải Thượng thường nói: “Thầy thuốc nắm tính mạng của người bệnh, người ta gửi tính mạng cho mình, phải hết sức cẩn trọng, phải nghiên cứu sách vở kỹ càng, khi chữa bệnh phải cẩn thận, phải nhận rõ được bệnh chứng rồi mới lập phương, tuyệt đối không được sơ suất, xem thường. Nghề thuốc không phải là nghề cầu danh trục lợi, không phải thấy người giàu sang mà xu phụ để kiếm tiền, thấy người nghèo khổ, cô đơn mà khinh miệt. Người giàu sang không thiếu gì thầy, thiếu gì thuốc”.
Khi chữa bệnh cho người nghèo khổ, chữa được bệnh rồi cụ còn giúp tiền để bồi bổ. Với quan điểm nhân đạo đó trong thời kỳ làm thuốc. Hễ có người nhà bệnh nhân tới gọi, có khi phải vượt cả giông tố, vượt qua cả dãy núi Thiên Nhẫn để đến với người bệnh kịp thời. Không quản ngại gian khổ, cụ luôn luôn chú ý đến bệnh nhân.
Cụ thường nói: “Làm nghề thầy thuốc không nên vụ lợi. Không nên cầu báo ơn. Không nên khinh người nghèo. Đối với đồng nghiệp phải khiêm nhường. Phải học tập những người hơn mình. Giúp đỡ người kém mình. Không được khinh rẻ lẫn nhau”. Đây là yếu tố nhân cách của người làm thuốc và đạo lý làm thầy của Cụ. Cụ đã viết ra 9 điều Y huấn để dạy các thế hệ thầy thuốc đời sau. Mà ngày nay Bộ Y tế đó lấy làm y đức cho các thầy thuốc Đông y.
Hải Thượng là một người chí lớn, học rộng, tài cao đã xây dựng sự nghiệp vĩ đại trong nền y học, lấy phục vụ sức khỏe nhân dân làm sứ mạng của mình. Chẳng những chữa bệnh mà cụ còn nêu các phương pháp phòng bệnh. Trong tập “Vệ sinh yếu quyết” cụ đã nói rõ điều đó.
Suốt 40 năm làm thuốc Hải Thượng đã đem hết tinh thần nghị lực để xây dựng nền Đông y Việt Nam toàn diện. Vừa có lý luận, phương pháp và thực tiễn về trị liệu, dùng các cây thuốc Việt Nam phù hợp với bệnh tật của người Việt Nam.
Cụ đã tập trung trí tuệ, kinh nghiệm nghề nghiệp, để ra đời Bộ Y tông tâm lĩnh gồm 66 quyển, 28 tập (nhị thập bát tỳ), phân môn phân loại một cách có hệ thống.Tổng kết kinh nghiệm đúc rút thành lý luận một cách sáng tạo. Đặc biệt cụ chú ý đến bệnh tật của các tầng lớp dân nghèo .
Bộ Y tông tâm lĩnh là một trước tác vĩ đại của nền Đông y Việt nam. Nó có cả lịch sử Y học phương Đông, cả kinh nghiệm thực tiễn Việt Nam. Học tập nhân dân, sáng tạo về lý luận, mang tính khoa học, dân tộc và đại chúng. Mở ra một chương mới, một thế hệ mới, một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh mới, một đạo đức nghề nghiệp mới trong nền y học Việt Nam.
Bộ Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nhiều lần được tái bản, để phục vụ cho các thế hệ thầy thuốc Việt Nam nghiên cứu, học tập, giảng dạy.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, nền Đông Y Việt nam được Đảng và nhà nước hết sức quan tâm, nên đã có những bước phát triển mới. Bộ Y tông tâm lĩnh của cụ đã nhiều lần được tái bản, để phục vụ cho các thế hệ thầy thuốc Việt Nam nghiên cứu, học tập, giảng dạy.
Sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông Lê hữu Trác sống mãi với non sông đất nước, là tấm gương chói lọi cho muôn đời con cháu noi theo. Để tưởng nhớ công lao của Y tổ, nhà nước đã cho tôn tạo, xây dựng mới lăng mộ, tượng đài và nhà thờ Hải Thượng tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Bộ Y tế lấy ngày rằm tháng Giêng âm lịch, ngày mất của cụ làm ngày truyền thống của ngành Đông y Việt Nam.
Năm 2010 Bộ Y tế đã ban hành quy chế xét tặng giải thưởng “Hải Thượng Lãn Ông” để tặng thưởng cho những người có công lao xuất sắc đóng góp xây dựng và phát triển nền Đông y Việt Nam. Đó là niềm vinh dự và tự hào cho các thế hệ thầy thuốc Đông y Việt Nam ngày nay…