Những di sản to lớn của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại là tài nguyên phong phú để Hà Tĩnh xây dựng nên nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách gần xa.

.

Tượng đài Lê Hữu Trác trên núi Minh Tự (xã Sơn Trung, Hương Sơn) là một trong những hạng mục thuộc quần thể khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Thời gian qua, Sở VH-TT&DL đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn farmtrip khảo sát các điểm đến trên toàn tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó có quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung và xã Quang Diệm (Hương Sơn). Sau mỗi chuyến khảo sát, hầu hết các thành viên đoàn chuyên gia đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước đều có đánh giá chung: Khu di tích và di sản Hải Thượng Lãn Ông là tài nguyên lớn để Hà Tĩnh khai thác, phát triển du lịch.

Bà Dương Yến Ly - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Chim cánh cụt (TP Hồ Chí Minh) từng bày tỏ: “Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một danh nhân văn hóa lớn của dân tộc và thế giới. Di sản mà Đại danh y để lại cũng như những câu chuyện về cuộc đời của ông có sức hút rất lớn đối với du khách trong và ngoài nước. Hà Tĩnh là quê hương của ông tổ ngành y học cổ truyền dân tộc, hiện còn bảo tồn, lưu giữ nhiều di sản vật thể và phi vật thể liên quan đến cuộc đời Hải Thượng Lãn Ông. Đó là “nguyên liệu” quý để xây dựng nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách”.

Để dẫn chứng cho lời nói của mình, bà Ly đưa ra ví dụ về việc đơn vị bà từng tổ chức một tour về y học cổ truyền tại TP Hồ Chí Minh. Tuy “nguyên liệu” chỉ có một bức hình minh họa về Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác nhưng đã thu hút nhiều du khách tham gia.

Đoàn khảo sát do Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và xúc tiến đầu tư Hà Tĩnh phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tham quan Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác dịp tháng 6/2024.

Trong một chuyến khảo sát gần đây, các chuyên gia đến từ CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, Hà Tĩnh cần xây dựng các tour, tuyến tham quan Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Đây là một điểm đến nhiều tiềm năng về sức hấp dẫn thu hút du khách nhưng chưa được đầu tư đúng mức. Nếu xây dựng được tour tham quan, khám phá về di sản Hải Thượng Lãn Ông thì đây sẽ là sản phẩm du lịch chủ lực của Hà Tĩnh.

Khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (xã Quang Diệm, Hương Sơn), nơi Đại danh y gắn bó gần suốt cuộc đời nghiên cứu y thuật chữa bệnh cứu người.

Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là nơi yên nghỉ, thờ tự, lưu giữ di sản của Đại danh y, đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1990, gồm các công trình: Khu lưu niệm Lê Hữu Trác ở xã Quang Diệm; khu mộ và khu tượng đài Lê Hữu Trác nằm ở núi Minh Tự ở xã Sơn Trung.

Gắn với khu di tích là các hoạt động tín ngưỡng văn hóa của người dân địa phương nhằm tri ân Đại danh y như: lễ giỗ, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông… Trong đó, Lễ hội Hải Thượng có tuổi đời hàng trăm năm, với nhiều nghi thức, hoạt động sôi nổi như: đua thuyền trên sông Ngàn Phố, hội thi thả diều Hải Thượng, các trò chơi dân gian…, hằng năm thu hút đông đảo du khách mọi miền về tham dự.

Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông diễn ra vào mỗi dịp đầu năm là sự kiện thu hút đông đảo du khách và người dân tham gia. Ảnh: Tư liệu.

Với những đóng góp to lớn cho nền văn hóa dân tộc và nhân loại, vào tháng 11/2023, UNESCO đã thông qua nghị quyết vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và sẽ cùng tham gia kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông vào tháng 12/2024. Bên cạnh đó, với sự nhất trí của Bộ VH-TT&DL, tỉnh Hà Tĩnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình các cấp và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Mộ và Nhà lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích quốc gia đặc biệt.

Di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại vô cùng to lớn, tuy nhiên, đến nay, Hà Tĩnh vẫn chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn liên quan đến vị danh y lỗi lạc này.

Cán bộ Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh) chuẩn bị hồ sơ khoa học xếp hạng Mộ và Khu lưu niệm Lê Hữu Trác là di tích quốc gia đặc biệt.

Khu di tích Lê Hữu Trác được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1990 và nhiều lần được trùng tu tôn tạo, trong đó lớn nhất là dự án do Bộ Y tế phê duyệt, Viện Bỏng quốc gia làm chủ đầu tư, hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, lâu nay, khu di tích chỉ mới dừng lại là một điểm tham quan, dâng hương cho các đoàn khách mỗi dịp lễ, tết… Tại khu di tích chưa có các sản phẩm du lịch, dịch vụ đi kèm, hay các tour giới thiệu, quảng bá giá trị điểm đến một cách chuyên nghiệp.

Điểm sáng về việc khai thác các giá trị di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong phát triển du lịch thời gian qua chính là Khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng do Công ty TNHH Quý Gia xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2015. Khu du lịch có diện tích 20 ha, nằm cách khu mộ và tượng đài Lê Hữu Trác (xã Sơn Trung) khoảng 500m về hướng Bắc.

Một góc Khu du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng tại xã Sơn Trung (Hương Sơn) về đêm.

Công trình có nhiều hạng mục văn hóa, giải trí, đặc biệt có cơ sở lưu trú 100 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn, dịch vụ tắm bùn khoáng nóng, ngâm chân thuốc bắc… Hằng năm, Khu du lịch sinh thái Hải Thượng đón hàng nghìn lượt khách đến nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan như: hoạt động đơn lẻ ở một vùng nông thôn, hệ thống mạng lưới sản phẩm dịch vụ bao quanh gần như không có, dẫn đến khu du lịch vẫn còn nhiều hạn chế trong thu hút du khách.

Ông Nguyễn Xuân Lợi - Tổng Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH Dịch vụ & TMTH Quý Gia cho biết: “Những tiềm năng, lợi thế từ giá trị di sản của Đại danh y Lê Hữu Trác để phát triển du lịch là rất lớn. Điều đó đòi hỏi phải có một hệ thống nhiều sản phẩm, nhất là xây dựng các sản phẩm tour, tuyến đến khu di tích nói riêng và Hương Sơn nói chung một cách bài bản, chuyên nghiệp. Ngoài ra, các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến công tác quảng bá để du khách mọi miền biết đến nhiều hơn về Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông cũng như các giá trị di sản mà Đại danh y để lại”.

Đề án “Phát triển du lịch huyện Hương Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có nội dung hướng đến khai thác sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe từ di sản nghề thuốc Đông y của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Nhằm phát huy tài nguyên địa phương, đưa du lịch thành một trong 4 ngành kinh tế trọng điểm, UBND huyện Hương Sơn đã xây dựng Đề án “Phát triển du lịch huyện Hương Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đề án tập trung phát triển các sản phẩm du lịch gắn với những tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó có sản phẩm chủ lực: Phát triển du lịch “Chăm sóc sức khỏe gắn với Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác - Danh nhân văn hóa thế giới” thành sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, sẽ đầu tư, phát triển các vườn dược liệu trong quần thể di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (nhà thờ, khu mộ và tượng đài); tái hiện không gian phòng khám chữa bệnh, chế biến thuốc, cắt thuốc, bốc thuốc; giới thiệu các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông.

Hình thành một số cơ sở khám chữa bệnh đông y, cơ sở cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp kết hợp với du lịch chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh theo các bài thuốc của Hải Thượng Lãn Ông. Các dịch vụ có thể khai thác, phát triển như: Xây dựng mô hình “Làng Hải Thượng xưa” mô phỏng, tái hiện không gian sinh sống của Đại danh y tại thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm… Ngoài ra, duy trì và phát triển Lễ hội Hải Thượng thành sự kiện văn hóa hấp dẫn thu hút du khách vào dịp mùa xuân hằng năm.

Ông Hồ Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: “Đề án thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hương Sơn trong đầu tư phát triển du lịch. Chúng tôi tin rằng, việc tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực từ di sản Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sẽ mang lại thành công trong phát triển du lịch Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Đồng thời là cơ hội để phát huy, lan tỏa hơn nữa những giá trị di sản của Đại danh y Lê Hữu Trác đến du khách mọi miền”.

Vườn dược liệu được huyện Hương Sơn triển khai trồng tại Khu lưu niệm Lê Hữu Trác nhằm phục vụ cho những sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe thời gian tới.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) sinh ra ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Tuy nhiên, phần lớn cuộc đời và sự nghiệp của ông lại gắn bó với quê mẹ ở thôn Bàu Thượng, xã Tình Diệm, nay là xã Quang Diệm (Hương Sơn). Với sự đóng góp to lớn trong nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác được xem là Đại danh y, ông tổ của ngành y học cổ truyền Việt Nam.

Ông còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong thế kỷ XVIII, để lại sự nghiệp đồ sộ với các tác phẩm nổi tiếng như: Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, Thượng kinh ký sự, Đạo lưu dư vận quyển, Nữ công thắng lãm, Bảo thai thần hiệu diễn ca, Vệ sinh yếu quyết... Trong đó, bộ Hải Thượng Y tông tâm lĩnh (28 tập, chia thành 66 quyển) được coi là cuốn Bách khoa toàn thư về đông y Việt Nam, được nhiều quốc gia trên thế giới nghiên cứu, ứng dụng… Bên cạnh các công trình, tác phẩm, Lê Hữu Trác còn để lại cho hậu thế một tấm gương về nhân cách cao đẹp của người thầy thuốc hết lòng tận tụy với Nhân dân. 

Theo BHT

Link: https://baohatinh.vn/phat-huy-gia-tri-di-san-hai-thuong-lan-ong-trong-phat-trien-du-lich-ha-tinh-post272808.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 

 Thêm nhận xét mới

 
 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.024.725
    Trong năm: 989.750
    Trong tháng: 106.445
    Trong tuần: 30.554
    Trong ngày: 4.005
    Online: 97