Lịch sử hiện đại của Việt Nam trong thế kỷ XX sôi động, biến động mãi mãi ngời sáng về những đêm lịch sử của 2 mùa Đông mãi mãi không bao giờ quên: Đêm toàn quốc kháng chiến 19-12 mùa Đông 1946, và 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Biên Phủ trên không mùa Đông1972.

Với Hương Sơn, đó là những mùa Đông đáng nhớ, và đi vào ký ức của những ai đã từng nếm trãi và cống hiến vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, quê hương .

Hà Nội – đêm toàn quốc kháng chiến

“Hỡi đồng bàò! Chúng ta phải đứng lên! Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc…Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi của Bác Hồ truyền đi trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào đêm19-12-1946.

Lập chiến lũy trên đường phố Thủ đô

Việt Nam giành được độc lập sau cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau đó không lâu, Bác Hồ đã kiên nhẫn thương thuyết với Pháp Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9 trong năm 1946. Nhưng kẻ thù phản bội, trắng trợn gây hấn Việt Nam tại Nam Bộ rồi xé bỏ hiệp định nói trên bằng cách nổ súng tấn công Thủ đô Hà Nội vào đêm 19-12-1946.

Vào giờ phút thiêng liêng của mùa Đông năm 1946 không thể nào quên, ta nổ phát pháo lệnh rền vang tại pháo đài Láng (gần Ngả Tư Sở) làm tín hiệu để quân và dân Hà Nội nhất tề đứng lên ngay từ nhừng phút giây đầu tiên của cuộc kháng chiến toàn quốc mang tính chất bắt buộc vì sự phản bội của đối phương.

Vâng lệnh Người ra trận, Triệu triệu người hăng hái thi đua sản xuất, thi đua giết giặc. Cùng với cả nước, người Hà Nội từ bộ đội, tự vệ khu phố đến nam nữ thanh niên, sinh viên… anh dũng chiến đấu chống quân thù, quyết giữ từng góc phố. Ác liệt nhất là cuộc chiến đấu bảo vệ Liên khi I (khu vực quận Hoàn Kiếm hiện nay).

Ngay trong đêm 19-12, ngay sau khi truyền đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ và mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng Quốc phòng, Đài Tiếng nói Việt nam và Việt NamThông tấn xã lập tức tháo dỡ máy móc, thiết bị chuyển lên Chùa Trầm (Chương Mỹ- Hà Đông), sau đó không lâu lại di chuyển lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục hoạt động kháng chiến đến ngày toàn thắng mới trở về thủ đô vào ngày 10-10-1954. Bài hát mang tên “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được sáng tác ngay trong đêm kháng chiến đầu tiên, được các báo ở Hà Nội kịp thời in, được truyền đi trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam chỉ sau đó có mấy ngày.

Trước đêm toàn quốc kháng chiến có 14 ngày, báo Sự Thật (tiền thân của báo Nhân Dân) số 85 ra ngày 4-12-1946 đăng bài viết của Tổng Bí thư Trường Chinh với nhận định sắc sảo: “ Dân tộc ta có thể trường kỳ kháng chiến. Nhưng quân Pháp không thể trường kỳ xâm lược, bởi như báo “Paris Giải phóng” của nước Pháp thú nhận: Nước Pháp sau bao nhiêu năm thuộc Đức và nhiều năm chiến tranh lâm vào thiếu thốn nhiều mặt vật chất, tinh thần. Dân tộc ta có thể chịu đựng mọi gian nan cực khổ, vì chúng ta biết hy sinh phấn đấu cho chính nghĩa, cho tương lai…”

Sau 2 tháng chiến đấu anh dũng trong lòng Hà Nội, Đảng, Chính phủ và quân đội rút khỏi Thủ đô để lên chiến khu Việt Bắc tiếp tục cuộc trường chinh dài 3.000 ngày chống thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chấn động địa cầu, cột mốc quan trọng đánh sập chủ nghĩa thực dân cũ được khởi đầu từ đêm lịch sử toàn quốc kháng chiến 19-12-1946.

Người viết bài này vào năm 1946 chỉ là đứa con nít ở làng Phúc Đậu (nay là xã Sơn Phúc). Nhưng trí nhớ giúp tôi nhớ lại gần như tất cả không khí và sự hào sảng của người làng tôi và cả huyện Hương Sơn thời đó đã nhất tề đứng lên chống giặc Pháp xâm lược. Cha tôi làm Chủ tịch Ủy ban di tản cư của xã. Mẹ vào Hội Mẹ chiến sĩ; chị gái vào đội du kích, anh trai lên đường nhập ngũ bộ đội Cụ Hồ. Kết thúc 9 năm kháng chiến trường kỳ, nhà tôi có 3 trong số 4 con trai đều ra chiến trường. Còn gia đình liên tiếp đón bộ đội về trú ngụ trong nhà để luyện quân, đợi ngày ra trận…

Hà Nôi- Điện Biên Phủ trên không

Khi cuộc khãng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn ác liệt, Bác Hồ đã tiên đoán “ Trước sau Mỹ cũng sẽ đưa máy bay B.52 ra đánh phá miền Bắc, nhưng Mỹ chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”.

Quả đúng như vậy. Cuối năm 1972, Nixon đưa hàng loạt máy bay chiến lược - pháo đài bay B.52 tiến đánh Hà Nội, Hải Phòng. Đêm “định mệnh” ấy là đêm 17-12-1972. Tội ác giả man của kẻ thù là trút bom tán phá bệnh viện Bạch Mai, Đài phát sóng Mễ Trì và Đài phát sóng Bạch Mai của Đài Tiếng nói Việt Nam trong một âm mưu đen tối được gọi là cuộc chiến “bịt mồm”, nhằm ngăn chặn chúng ta tố cáo tội ác tày trời của chúng. Trụ sở, nhà ở của các văn nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn (kể cả gia đình tôi) tại khu tập thể 128c Ngã Tư Vọng bị san phẳng. Tác phẩm âm nhạc “Tiếng dương cầm trong ngôi nhà đổ” của một người Mỹ được viết từ cảnh đổ nát của 12 ngày Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không.

Điều kỳ diệu là hàng vạn tấn bom các loại của các loại máy Mỹ không “bịt được mồm” Tiếng nói của Tổ quốc Việt Nam chiến đấu và chiến thắng. Ngày đó, đội ngũ các nhà báo của chúng ta ở Hà Nội không hề hiểm nguy, vượt qua bom đạn, làm việc cật lực để đưa tin chiến đấu, phục vụ chiến đấu. Từ sáng tinh mơ, người Hà Nội đã xếp hàng tựa đi trẩy hội ở phố Tràng Tiền để mua báo. Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân và một số tờ báo khác in đến đâu bán hết đến đó. Rất nhiều người hồ hỡi đứng dưới cột loa điện ở khu vực Cửa Nam nghe tin thắng trận.

Một lần nữa lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam lại bùng lên trong oai phong tựa Thánh Gióng, viết nên bàn hùng ca bất hủ, bất tử đúng hơn là bản đại hợp xướng nhiều chương trong thời đại Hồ chí Minh quang vinh. Năm ấy, cũng tựa như 26 năm về trước, năm 1946, trời Hà Nội rét như cắt da cắt thịt, nhưng quân và dân Hà Nội anh dũng, hiên ngang viết nên trang sử mới- trang sử Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không. Và cũng từ  đêm lịch sử đó, trong từ điển Việt Nam, từ điển thế giới đã xuất hiện cụm từ rất mới, rất độc đáo, đó là “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, cũng như có môn học mới “Việt Nam học”.

Hai đêm lịch sử của dân tộc Việt nam trong nửa cuối thế kỷ XX là những đêm đông hết sức oai hùng. Đêm đầu tiên có Bác Hồ bên cạnh. Đêm thứ 2 tuy Bác Hồ đã đi xa trước đó 3 năm, nhưng vị tướng cầm quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn nung nấu trong trái tim mình quyết tâm sắt đá vốn được Bác Hồ căn dặn “ Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập tự do”.

Kết thúc 12 ngày đêm Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không”, 34 máy bay các loại của Mỹ, trong đó có 29 máy bay B.52 cùng nhiều giặc lái sừng sỏ của đối phương đã tan xác hoặc bị bắt sống. Lời tiên tri trước đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành sự thật và Mỹ phải ngồi vào bàn ký Hiệp định hòa bình tại Paris. Sau đó không lâu với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giang sơn nước Việt thu về một mối. Chủ nghĩa thực dân mới bị đánh sập. Thế giới gọi “Việt Nam Nam là lương tâm, phẩm giá của con người”.

Hương Sơn - vùng đất tuy có lúc còn nghèo cơm gạo nhưng lại rất giàu  truyền thống cách mạng và chủ nghĩa nhân văn. Trong cuộc chiến kéo dài 3 thập kỷ, gian nan, vất vả trăm bề, nhưng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hướng Sơn đã làm hết sức mình, đồng hành cùng cả nước làm nên trang sử mới- trang sử của Việt Nam, của Hương Sơn trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh, bất tử.

Ôn cố tri tân, chúng ta không thể nào quên về mùa Đông lịch sử năm 1946 và 1972 trong thế kỷ trước, để vững lòng tin xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, góp phần đưa Hương Sơn sớm trở thành huyện nông thôn mới bền vững, phát triển./.

Nguyễn Xuân Lương


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Bản đồ hành chính
PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
Thống kê: 9.117.133
Trong năm: 968.135
Trong tháng: 121.020
Trong tuần: 16.127
Trong ngày: 3.679
Online: 71