Hiếm có một huyện có tới hai dòng sông hiền hòa chảy qua như huyện Hương Sơn: Dòng Ngàn Phố và dòng Ngàn Sâu. Từ phía tây đại ngàn, dòng Ngàn Phố êm đềm chảy qua 14 xã, tạo ra những làng mạc trù phú hai bên bờ sông, hợp lưu với dòng sông Ngàn Sâu ở Tam Soa để thành dòng sông La của huyện Đức Thọ, đổ về xuôi nhập vào sông Lam, tuôn nước về biển cả.
Tên huyện Đỗ Gia có từ thời Lý, đến thời Hậu Lê được đổi thành Hương Sơn, qua thời Tự Đức, huyện Hương Sơn lại được chia đôi thành Hương Sơn và Hương Khê. Tới nay, Hương Sơn sắp kỷ niệm 550 năm ngày thành lập huyện của mình.
Núi rừng, sông, suối, cây cối, vườn tược đồng ruộng bao giờ cũng tươi xanh và con người Hương Sơn thì cần lao anh dũng, tất cả đã tạo nên một miền quê nắng gió với bao nhiêu khúc hát tự hào, bao nhiêu kỳ tích vẻ vang.
Hương Sơn vùng đất phên giậu của đất nước còn lưu giữ biết bao di tích lịch sử trong cuộc trường chinh của dân tộc. Nếu các huyện của Hà Tĩnh phát hiện nhiều khu vực khảo cổ từ hàng nghìn năm nay thì ngay trên mảnh đất Hương Sơn, gần chợ Nền Rạp (thuộc xã Sơn Trung), các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy ở di chỉ này các công cụ, đồ dùng từ thời đại đồ đồng thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Từ thượng nguồn sông Ngàn Phố, sát biên giới Việt - Lào, trên đất Kim Cương nay thuộc xã Sơn Kim I, Sơn Kim II có một ngôi đền thờ viên quan người Hữu Bằng bị mất khi đi giao thiệp với nước Ai Lao, được vua nhà Nguyễn cho lập đền thờ để ghi công. Vùng đất phía Tây này đi vào ca dao dân ca bởi con suối nước nóng mà nơi đây gọi là khe Nác Sốt có tự ngàn xưa:
Muốn cho da thịt hồng hào
Thì lên Nác Sốt thì vào khe Sinh.
Suối nước nóng, suối lưu huỳnh chảy miên man trong rừng già hàng nghìn vạn năm nay, ngày nay thành điểm du lịch nổi tiếng của Hương Sơn.
Xuôi dòng Ngàn Phố, bên hữu ngạn là làng Tình Diễm, nơi có mối tình đẹp tuyệt vời giữa một chàng trai Hưng Yên và người con gái Hương Sơn để sinh ra một nhân tài kiệt xuất về Y học: Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác. Rũ bỏ hư danh, quê mẹ tìm về, Lê Hữu Trác được nhiều thế hệ ghi nhận công lao lớn khi đem trí tuệ tài năng của mình cống hiến cho nhân dân:
Tình Diễm bên núi bên sông
Cả làng cả tổng ơn Lãn Ông suốt đời
Bên tả ngạn sông Ngàn Phố có chùa Hải Tượng, do Lãn Ông Lê Hữu Trác tạo dựng, nơi ông đã viết tới 68 cuốn sách thuốc, để lại tài sản vô giá cho nền y học nước nhà. Dòng Ngàn Phố từ đây chảy qua miền đất cổ, qua những làng có tên là Kẻ: Kẻ Quát nay là xã Sơn Giang, vùng đất giàu có, chuyên trồng lạc và nuôi hươu sao :
Hai bên Phố, Quát đại đồng
Bên văn bên võ,em lấy chồng bên mô?
Phố là một phần của đất Phố Dương thuộc đời Tấn Vũ Đế xưa kia, sau phân đôi thành Phố Châu và Phúc Dương. Thị trấn Phố Châu, nơi có Chùa Cao (chùa Nhiễu Long) dựng trên núi, đứng ở tam quan có thể nhìn thấy những hàng phượng nở đỏ khi hè sang và phố xá tấp nập mua bán sát quốc lộ 8 và đường Hồ Chí Minh ở phía đông.
Từ chùa Cao, phóng tầm mắt có thể bao quát cả dòng Ngàn Phố trong xanh, nơi bè xuôi thuyền ngược đông vui :
Chùa Cao ba mươi sáu pho tượng bụt ngồi
Trước dâng hương lễ Phật sau thỉnh một hồi chuông thanh
Phố Châu con giữ được di tích đền Cả, xây dựng từ mấy thế kỷ trước. Phía trong thị trấn, thuộc khối 17 còn đền thờ Lương Hiển Tướng quân, một vị tướng tài ba đánh giặc giữ nước từ thế kỷ XVIII .
Trước đây, cả vùng phía tây huyện có nhiều chợ nhỏ, nhưng Phố Châu là chợ to nhất huyện:
Chợ Phố hai ngày một phiên
Đông người ,hàng lắm khắp miền bán mua
Chợ Phố lắm mít lắm chè
Sáng buôn chợ Phố chiều về chợ Choi.
Phố Châu còn có cả một xưởng đóng thuyền, ngày ngày vang lên tiếng cưa, tiếng đục, tiếng búa của người thợ từ chợ Thượng lên Hương Sơn lập nghiệp:
Chợ Phố đóng nôốc, đóng thuyền
Đò xuôi chợ tỉnh, ngược miền Hà Tân.
Cạnh Phố Châu là Kẻ De, nằm sát núi Đại Hàm, trước đây Kẻ De và Phố Châu đều thuộc xã Hàm Phố, không biết tự bao giờ, vùng đất này đã có một câu ca có thể hiểu là ngợi ca hay chê bai từ chối đều được:
Lấy chồng thì lấy Kẻ De
Cơm cày, cá đó, nước khe, củi rừng.
Kẻ Mui, nơi có nhà thờ đạo thiên chúa, nay thuộc thị trấn Phố Châu dường như cũng có duyên nợ với Kẻ De bởi một câu đùa vui:
Bao giờ Kẻ Mui có đình
Kẻ De có chợ thì mình lấy ta.
Theo dòng nước trong xanh hiền hòa xuôi sông Ngàn Phố, ta sẽ gặp làng Kẻ Mỏ nằm ở tả ngạn, trước đây thuộc xã Phúc Dương, một phần của Phố Dương trước đây, nay thuộc Sơn Trung là vùng đất giàu đẹp:
Giàu có là đất Phúc Dương
Đầy đồng khoai ló(lúa)đầy nương cau trù (trù)
Không biết Kẻ Mỏ có mỏ kim loại gì hay nơi đây có hình của một loại chim mà người xưa đã đặt cho vùng đất của mình cái tên đặc biệt như thế.Vậy mà có chàng trai nào đó đã gièm pha để giành người tình của mình:
Em về Kẻ Mỏ mần chi.
Rọng nương thì ít rú ri thì nhiều.
Phúc Dương, nay gồm Sơn Phú, Sơn Trung, xưa có một phong tục đẹp. Cứ vào dịp cúng ông Công ông Táo, cả làng ra Bàu E đánh cá về ăn tết :
Cuối năm đánh cá Bàu E
Cá gáy (cá chép) thì béo, cá mè thì ngon.
Cạnh xã Phúc Dương, xưa là Hữu Bằng, nay là xã Sơn Bằng, sông Ngàn Phố chảy tới đây đã tạo ra một vực sâu, là Vực Nầm. Ca dao xưa đã có câu ca về địa danh này:
Mưa từ bên núi Mồng Ga
Mưa sang Phúc Đậu, mưa qua vực Nầm
Vực Nầm cũng là nơi có nhiều cá, làng chài ở Vực Nầm được xếp hạng ba về sự giỏi giang đánh bắt cá , trở nên giàu có:
Thứ nhất là vạn Tam Sa
Thứ nhì vạn Phố, thứ ba vạn Nầm
Trong Phong trào Cần vương, trên dòng sông Ngàn Phố, hình ảnh một người phụ nữ chở lương thực cho nghĩa quân còn in đậm nét trong lòng dân Hương Sơn:
Thuyền nan một chiếc vẫy vùng
Vạn Nầm Vạn Phố mấy anh hùng biết cho
Đất Hữu Bằng xưa là vùng quê có nhiều người học giỏi, làm quan. Dân Hữu Bằng thường tự hào về làng mình:
Đói làng Yên Nghĩa lắm quan
Giàu làng Phúc Đậu cả đoàn khố nu
Có lẽ kẻ ngạo mạn ấy không biết rằng Phúc Đậu đã có cả một khai quốc công thần triều Lê là Nguyễn Tuấn Thiện, người đã có công lớn trong mười năm đánh giặc Minh, giúp Lê Lợi dựng nên triều đại nhà Lê mà sử sách luôn ghi công lao.
Nói tới Nguyễn Tuấn Thiện, không chỉ nói tới nghĩa quân Cốc Sơn mà còn phải kể tới trận thắng ở Khuất Giang, (địa danh ấy nay nằm ở Sơn Hà và Sơn Châu) nghĩa quân tiêu diệt hàng ngàn tên xâm lược nhà Minh, trận mở đầu thắng lợi ấy có giá trị lớn, chuẩn bị cho những trận tổng công kích tiếp theo.
Vị tướng khai quốc công thần Nguyễn Tuấn Thiện khi mất lại an táng tại vùng Kẻ Sét ngày nay là xã Sơn Ninh, nằm ở tả ngạn sông Ngàn Phố.
Bên cạnh Kẻ Sét (xã Sơn Ninh ngày nay) là vùng đất có những tên gọi rất đặc biệt: Kẻ Đọng (nay thuộc Sơn Tiến), Kẻ E (nay thuộc Sơn An), Kẻ Rái (nay thuộc Sơn Lễ). Sơn Lễ là nơi sản sinh ra Cao Thắng vị tướng tài của cuộc khời nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng đứng đầu:
Can trường Tri Lễ là đây
Ông Cao Thắng chế súng đánh cho Tây nhừ đòn
Nhiều câu ca dao ở Hương sơn còn lưu truyền về tài năng của Cao Thắng:
Khen cho Cao Thắng tài to
Lấy được súng giặc về cho lò rèn
Súng ta chế được vừa xong
Đem ra mà bắn nức lòng lắm thay
Bắn cho tiệt giống quân Tây
Cậy nhiều súng ống phen này hết khoe.
Nếu kỹ sư quân giới Pháp phải thán phục những người thợ rèn Việt Nam khi cầm những khẩu súng trường mà nghĩa quân tạo ra thì dân gian cũng có những lời ca có cánh:
Khen cho Cao Thắng tài to
Đúc được súng ống in đồ như Tây
Tiếng đồn đây đó Cao thầy
Khen cho mưu mẹo có tài khôn ngoan.
Phía tả ngạn sông Ngàn Phố có một vùng đất khá đặc biệt, đây là nơi có nhiều người học giỏi thuộc các dòng họ lớn như Nguyễn Khắc, Đinh Nho, Tống Trần, xưa có tên gọi Mỹ Hòa nay là xã Sơn Hòa :
Mỹ Hòa đất chật người đông
Nhà quan thì ít nhà nông thì nhiều
Nhà nông nhà cửa liêu xiêu
Nhà quan ngói đỏ võng điều nghênh ngang.
Cạnh Mỹ Hòa là Thịnh Xá nay là xã Sơn Thịnh,nằm ở tả ngạn sông Ngàn Phố, nơi nổi tiếng nhiều nghề như làm guốc mộc, đan lát, dệt vải .Sơn Thịnh xưa kia có cái tên đặc biệt: Kẻ Chéo
Kẻ Chéo đất đỏ như son
Trầu gộc ăn lá, cau non lắm tiền.
Làng ven sông ấy có chợ Bè, một trong những chợ lớn của huyện Hương Sơn, hàng năm vào dịp tết nơi đây còn có chợ trâu nổi tiếng cả một vùng. Người ta mua trâu bò về để vực, chuẩn bị làm vụ chiêm, cũng có người mua trâu bò cho các dịp cúng tế , tiệc tùng lễ tết.
Chợ Gôi, chợ Choi, chợ Bè
Gánh mau lên chợ mà về kẻo trưa.
Trong kháng chiến chống Pháp, vùng này đã xuất hiện món kẹo lạc nấu bằng mật, kẹp vào miếng bánh đa nướng, ngày nay khắp trong Nam ngoài Bắc đều có món kẹo mang tên Cu Đơ (tên do học trò trường huyện đặt cho ông Cu Hai thành Cou deux)
Đối diện với Sơn Thịnh là Sơn Hà. Nằm ở hữu ngạn sông Ngàn Phố, Sơn Hà có chợ Choi, họp vào ngày chẵn âm lịch, dân các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, Thạch Hà của Hà Tĩnh và các huyện Thanh Chương, Nam Đàn của Nghệ An thường đến mua bán đổi trao hàng hóa tại ngôi chợ bên dòng sông này.
Chợ Phố lắm mít lắm chè
Sáng buôn chợ Phố chiều về chợ Choi.
Cuối dòng Ngàn Phố là Xa Lang, nay thuộc xã Sơn Tân, giáp với di tích Lục niên thành của Lê Lợi, nơi đây còn có đền Trúc, nơi thờ các tướng sỹ trận vong của nghĩa quân Lam Sơn, gần đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Xa Lang là đất nổi tiếng về nghề mộc, cả làng làm thợ mộc, nhiều tài năng thợ mộc đã được triều đình nhà Nguyễn vời vào làm cung điện ở Huế:
Chưa đi đến đất Xa Lang
Đã nghe tiếng đục tiếng chàng tiếng cưa.
Đồ mộc của người thợ Xa Lang được nhiều vùng biết tiếng:
- Xa Lang thợ mộc lừng danh
Làm chùa làm đình phải hỏi Xa lang
- Thứ nhất hương án Xa Lang
Thứ hai gác chuông chùa Thượng, thứ ba tam quan tự Đồng.
Xa Lang ngày nay là xã Sơn Tân cũng là vùng đất học, một xã có hơn hai chục tiến sỹ, phó giáo sư, giáo sư, làm việc ở trong nước và ở các nước Âu Mỹ.
Dòng Ngàn Phố chảy đến đất Xa Lang, gặp sông Ngàn Sâu ở Tam Sa, nơi có làng chài nổi tiếng:
Nhất giàu là vạn Tam Sa,
Thứ nhì vạn Phố, thứ ba vạn Nầm.
Cuối dòng Ngàn Sâu, về phía tả ngạn là Kẻ Tàng, Kẻ Ác nay là xã Sơn Long, vùng đất giàu có, lắm nghề phụ, đời sống của cư dân nơi đây khá thảnh thơi:
Kẻ Tàng lắm cô lắm thầy
Quần là áo lượt cũng tày các quan
Các cô mấn (váy) lụa quét đàng
Các thầy mạo (mũ) trắng giày vàng rong chơi
Kẻ Tàng cũng là vùng đất học, các dòng họ Thái, họ Lê, họ Nguyễn, họ Phạm đã đóng góp nhiều nhân tài cho đất nước. Bên dòng sông Ngàn Sâu, tại Kẻ Tàng, ngôi chùa và phiên chợ tấp nập kẻ mua người bán tạo nên nét văn hóa đặc sắc của một miền quê:
Chợ Tàng một tháng sáu phiên
Bên dưới có chợ, bên trên có chùa
Ai mua trầu thuốc ra mua.
Có lẽ ít người nhớ, Hương Sơn xưa còn có một xã nằm ở hữu ngạn sông Ngàn Sâu, đó là xã Ân Phú. Xã có cái tên đẹp như vậy nhưng đã mấy lần long đong lận đận được chuyển từ huyện này sang huyện khác: Từ Hương Sơn qua Đức Thọ rồi Hương Khê, Vũ Quang. Có một nhà thơ vẫn nhận mình là người ở Ân Phú, Hương Sơn: Nhà thơ Huy Cận, ông đã có mấy bài thơ về sông Ngàn Phố và vùng đất Hương Sơn giàu đẹp.
Tuy Hương Sơn không có những làng hát phường vải, phường nón, nhưng những câu vè ví giặm vẫn vang lên trên sông nước Ngàn Phố và trong các điệu ru con, trong những bài vè thế sự được lưu truyền.
Nhắc đến Hương Sơn không thể không nhớ đến câu ca đầy tự hào về những đồi chè, những nương chè dưới nắng gió Lào luôn luôn xanh tốt, những làng dệt lụa nằm ven sông với những nương dâu mượt mà chạy theo triền sông:
Chè Hương Sơn lá xanh nước chát
Lụa Hương Sơn thơm mát lòng người
Bốn mùa gạo trắng cá tươi
Khuyên em về đó kẻo một mai tiếc thầm.
Những câu ca về Hương Sơn sẽ ngân nga trong tâm trí người nghe khi xa đất Hương Sơn, xa dòng Ngàn Phố, xa những người dân của miền đất gió Lào nắng lửa nhưng tâm hồn, tính cách rất đôn hậu, đáng yêu:
Ai về Hà Tĩnh thì về
Mặc lụa chợ Hạ uống chè Hương Sơn.
Nguyễn Quang Lập (Nguồn: Nhà Đầu Tư)