Ai cũng có một quê hương. Mỗi lần trở về quê hương khi về đến đầu làng là trong lòng lại rộn lên một cảm xúc thiết tha yêu quê hương xóm nhỏ nơi mình đã sinh ra lớn lên. Nơi mọi vui buồn, ngọt bùi, cay đắng đã được xuất phát từ đó.
Làng quê yên bình.
Xóm quê đã in đậm những kỷ niệm của cả cuộc đời, nơi đã gắn bó thân thiết gần gũi giữa chúng ta với mọi người, mọi nhà trong thôn xóm, gia tộc: “gần mái, kề hồi”, “chung đường, chung ngõ”, Củ khoai, bát nước chè xanh, sướng khổ có nhau, nơi đã gắn liền chúng ta với một gia đình nơi đó có ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt và một một ngôi nhà, đặc biệt là ngôi nhà gỗ nhỏ thân thương cùng với rặng tre, cây đa, giếng nước, hàng cau, vườn trầu, bến đò, vườn cây ăn quả…. Làng quê đã đi vào tâm thức, tâm linh trong mỗi chúng ta với những ký ức không thể nào quên.
Nhắc đến ngôi nhà gỗ trên vùng đất Hương Sơn là chúng ta lại càng thấm thía với bao trăn trở nhọc nhằn của cha ông ta mới dựng lên được một ngôi nhà để bao thế hệ “ăn đời ở kiếp” từ thế hệ này đến thế hệ khác.
Là vùng quê có khí hậu khắc nghiệt nên khi làm nhà người dân nơi đây rất coi trọng việc chọn hướng, thường thì việc chọn hướng nhà được áp dụng theo ngạn ngữ: “lấy vợ hiền hòa làm nhà hướng nam” để tránh các đợt gió lào từ phía Tây thổi mạnh và những trận cuồng phong của bão lũ và để tận dụng hết “địa hình thuận lợi” như thế sẽ “ăn nên làm ra, phát đạt, thịnh vượng”. Rồi việc khởi công cũng rất cẩn trọng, phải chọn ngày tốt để phát mộc cần tránh các ngày “hỏa”, ngày “trùng”, ngày “tang”, các ngày “ôn dịch” ... rồi phải chọn tốp thợ thật vừa ý, tốt nhất là mời được tốp thợ mộc Xa Lang. Gỗ làm nhà thì tùy theo từng gia đình, nhà nghèo thì dùng gỗ vườn như: xoan đâu, gỗ dung, gỗ mức; nhà giàu thì lim, mít, dỗi... kiểu nhà thường được làm theo kiểu “tứ trụ” hoặc “lòng lậm”. Nhà thường được làm một gian bốn mái, hoặc ba gian bốn mái. Kích thước mực mẹo thế nào do bác phó mộc “thợ cả” tính toán theo yêu cầu của gia chủ làm sao cho ngôi nhà được hài hòa, đẹp mắt: “chắc bền về kỹ thuật, đẹp cân đối về mỹ thuật”. Phần lớn nhà Gỗ ở Hương Sơn thường được làm cao, rộng thoáng mát về mùa hè, có chạn gác có nơi để bỏ đồ đạc và làm nơi sinh hoạt khi lũ lụt tràn vô nhà. Dẫu nhà mấy gian thì gian giữa được gọi là “gian bảy” cũng phải có bàn thờ gia tiên, mái nhà thì lợp bằng tranh săng, tro kè, tranh hèo, nếu có điều kiện thì lợp “khít trôốc”, còn không thì “kéo sưa” nhà có điều kiện thì lợp tranh “kè môốc” ngâm kỹ dưới bùn ao, nhưng dù khó khăn thế nào thì ngày lợp nhà cũng phải mời bà con trong xóm một bữa gọi là đi ăn “đám lợp nhà”
Nhà gỗ Hương Sơn.
Mỗi xóm có một giếng khơi bốn mùa nước trong xanh, xung quanh có lát đá và cây cao bóng mát để những buổi chiều hè oi ả người già, trẻ nhỏ thường tụ tập xung quanh trò chuyện vui vẻ. Tuy là giếng nước của xóm nhưng việc đào giếng cũng phải rất cẩn trọng, phải chọn địa điểm thích hợp về phong thủy tuyệt đối không làm đứt hoặc động đến long mạch, nước phải trong, mát ngọt không khô hạn về mùa hè và tốt nhất là ở chỗ “trung tâm” để mọi gia đình thuận tiện khi gánh nước. Ấy vậy mà mỗi khi khô hạn cả xóm làng xếp hàng múc nước (gọi là chắt nước) thì cảnh sinh hoạt ở đây cũng thật là vui.
Giếng làng…
Những nét xưa đã in đậm trong mỗi vùng quê và hình thành nên những làng cổ còn lưu mãi trong ký ức mỗi chúng ta và tồn tại mãi với thời gian
Làng Bảo Thịnh thuộc xã Dương Trai xưa, nay thuộc xã Sơn Bình được sử sách lưu lại có từ triều Lê, triều Lý, lúc đó vùng đất này còn hoang vu chưa có ai khai phá. Cư dân đầu tiên đến đây còn ở trên thuyền trên sông Ngàn phố. Nhu cầu cuộc sống bắt buộc họ phải lên bộ và định cư ở dưới chân núi, đồi để vừa tránh lũ lụt vừa có điều kiện chinh phục đất hoang, tạo ra những cánh rừng trồng trọt. Làng Bảo Thịnh gồm 5 xóm với cái tên Việt cổ: xóm Giới, xóm Eo, xóm Lạn, xóm Nậy, xóm Rú. Ở đây có nhiều di tích như đền Bạch Sơn, đền Bạch Mã, đền Thần Nông, chùa Yên Mã, đền Cây Si, miếu Khoa Giáp, nhà thờ Quan Nghè, nhà thờ Khổng Tử, đồi Đảng Phủ, rú Nhà Chàng, đồi Đại Vương. Đền Thần Nông thờ vị vua truyền thuyết về nông nghiệp. Nhà thờ Khổng Tử là nơi giảng sách và cũng là trụ sở của các hội văn học trong làng. Đồi Đảng Phủ là nơi đóng quân của Lê Lợi. Theo truyền thuyết thì năm 1425 Lê Lợi từ Thanh Hóa vào Nghệ An, đóng quân ở đồi Đảng Phủ (dưới chân núi Kê Quan). Khi Lê Lợi, Lê Thận từ Đảng phủ đi thị sát trận địa Cửa Khâu (Quật Giang Khẩu) về ngang làng Bảo Thịnh thì gặp thám báo nhà Minh, Lê Lợi và Lê Thiện chạy đến bên cây si ở xóm Nậy. Cây si này cao 30 mét, 4 người ôm không xuể, thân cây có cái hốc chứa được hai người. Lê Lợi và Lê Thận chui vào ẩn ở đó, mới thoát tay giặc.
Cây thị ở xóm Nậy, làng Phúc Đậu, xã Sơn Phúc.
Thời gian ở Đảng Phủ, Nguyễn Trãi mở trường dạy học. Ông sai học trò chặt cây trên đồi nguyên sinh dựng trường. Học trò của ông vô tình giết chết một ổ rắn, ba rắn con bị chết, rắn mẹ bị thương. Đêm hôm đó, rắn thần báo mộng cho ông biết sẽ trả thù tru di tam tộc. Từ khi Nguyễn Trãi mở đầu việc học hành đến nay làng Bảo Thịnh đã có nhiều thành tựu rực rỡ ở thế kỷ 17 có 2 vị tiến sỹ làm thượng thư là Nguyễn Hữu Lễ, Nguyễn Hữu Vịnh. Càng về sau trong làng càng có nhiều vị cử nhân, tú tài nổi tiếng không thua kém các làng khác trong vùng.
Cư dân làng Bảo Thịnh phần lớn đàn ông mặc khố, đàn bà mặc Mấn (một loại váy bằng vải thô sơ). Đến thế ký 20 thì mới bắt đầu thay đổi như hiện nay. Trong cộng đồng cư dân vùng này còn có xen kẻ người Lào, người Vân Kiều, người Chân Lạp… cho nên đầu thế kỷ 20 cho đến năm 1945 vẫn còn tồn tại ngôn ngữ dùng tiếng can (thay cho tiếng anh, cậu) tiếng Xà Lỳ (thay cho tiếng cây ngô).
Làng Phúc Đậu xưa thuộc xã Sơn phúc nay là xã Kim Hoa.
Kim Hoa là tên ghép của hai hòn núi Kim Sơn (rú Nầm) và Thất Hoa Sơn (rú Hoa Bảy). Đây là một làng nhỏ nằm ở vùng sâu, địa hình hiểm trở núi đồi, khe suối bao bọc nên con người định cư ở đây thưa thớt nhưng người dân ở đây từ xa xưa đã rất coi trọng nếp sống văn hóa, họ đã lập rất nhiều đền, chùa, miếu… để thờ thần phật như: Đền Trung ở xóm Chùa gọi là đền Cơn Ràng đền thờ thành hoàng của làng Phúc Đậu, đền Hạ ở xóm Nậy thờ thủy thần; chùa Bến Bụt, chùa Phúc Linh. Tại xóm Nậy thuộc làng Phúc Đậu có cây thị đã gần 700 năm, đây là nơi chứng kiến cuộc hội thề “kết nghĩa” anh em giữa Bình Định Vương Lê Lợi và Nguyễn Tuấn Thiện: cắt tốc, giết ngựa trắng ăn thề nguyện đồng tâm diệt giắc Minh xâm lược. Về sản xuất nônng nghiệp thì Phúc Đậu vừa trồng lúa, khoai, ngô, sắn nhưng chủ yếu làm giàu về sán phẩm thổ trạch chủ yếu là các loại cây như: mít, bưởi, cam, tắt, nhãn. Đặc biết là trầu, cau. Ở đây thu nhập từ nghề trồng cây ăn trái cao hơn gấp nhiều lần nghề làm ruộng. Tại đây người ta đã đúc rút ra tổng kết “nhất mẫu trạch bằng bách mẫu điền”. Ngoài ra người dân Phúc Đậu cũng rất coi trọng việc làm rừng, khai thác rừng. Họ vào tận đại ngàn đốt than lấy dang, song, mây, nứa, lấy mật ông rừng về bán lấy tiền chi tiêu hàng ngày.
Làng mộc Xa Lang.
Làng Xa Lang xưa thuộc xã Sơn Tân nay là xã Tân Mỹ Hà là một làng cổ được hình thành từ rất lâu đời, đây là một làng quê nghèo hiếu học có nhiều người đỗ đạt thanh danh và ngày này ở vùng đất này còn lưu truyền về sự tích cồn Bút, cồn Nghiên. Chuyện kể rằng: “Xưa, trong làng có hai anh học trò nhà nghèo không có gì ăn nhưng lại ham học, không có tiền mua dầu, đêm đêm họ rủ nhau ra bãi tha ma bắt đom đóm bỏ vào chai, thay đèn để học. Sau khi hai người học trò nghèo chết, dân làng chôn cất họ ở bãi tha ma đó. Hai ngôi mộ, năm tháng trôi qua cứ lớn dần lên thành hai cái cồn như hai quả núi được dân làng gọi là cồn Bút, cồn Nghiên”. Nhưng có lẽ người ta biết nhiều đến làng quê này với một làng quê này với nghề mộc gọi là mộc Xa Lang. Thợ mộc xa lang nổi tiếng về nghề chạm trổ, chạm lộng tinh xảo, khéo léo và có thẩm mỹ, nổi tiếng là các cụ: Cố Mền, cố Ý, cố Thạch, cổ Thảnh, cố Khuyên mà ngày nay dân làng còn nhớ mãi. Đôi bàn tay vàng của các ông được in dấu ở đình Trung Cần, đình Hoành Sơn, Khiêm cung lăng vua Tự Đức …. Đền thánh (huyện đường Đỗ Gia cũ, Sơn Tân ngày nay). Tổ sư của làng mộc Xa Lang có từ bao giờ thì không ai biết hết chỉ còn lưu truyền lại câu chuyện kể trong dân gian rằng: Tổ sư làng mộc Xa Lang xưa là một vị quản cơ họ Trần quê ở ngoài Bắc vào đây tham gia nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo sau khi từ bỏ chốn binh đao đã xin ở lại làng Xa Lang để sinh cơ lập nghiệp và truyền lại cho dân làng nơi đây nghề thợ mộc nổi tiếng này.
Những nét xưa làng cổ được cô động, lưu truyền đến ngày nay là những báu vật quý báu để ta suy ngẫm trên con đường xây dựng quê hương ngày càng đổi mới./.