Trong những năm qua, người dân xã Sơn Kim2, huyện Hương Sơn đã phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định. Thế mạnh của địa phương là trồng chè công nghiệp, chăn nuôi và trồng rừng... nhờ đó, hàng ngàn hộ dân nơi đây đã vươn lên thoát nghèo bền vững, trở thành những triệu phú, tỷ phú góp phần làm đổi thay đời sống và diện mạo của một xã biên giới.

Cây chè là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ dân xã Sơn Kim2

 

Phát huy lợi thế địa phương, gia đình anh Phan Đình Nhàn, ở thôn Làng Chè đã tiên phong chuyển đổi đất màu kém hiệu quả sang trồng chè theo chủ trương của xã. Với diện tích 1ha, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất, thu hái, nên sản lượng và chất lượng chè của gia đình ngày càng cao. Bình quân mỗi năm anh thu về trên 35 tấn chè búp tươi, doanh thu trên 250 triệu đồng. Với anh và hàng trăm hộ dân nơi đây, cây chè công nghiệp đã làm đổi thay đời sống cũng như tư duy phát triển kinh tế. Anh Nhàn chia sẻ: "Trước đây toàn bộ khu vực trồng chè ở đây người dân chúng tôi chỉ trồng được mỗi năm 2 vụ lạc, đậu, thu nhập không đáng kể lại bấp bênh lúc được, lúc mất. Sau khi chuyển đổi sang trồng chè công nghiệp liên kết với xí nghiệp thì đời sống người dân đã trở nên khấm khá, nhiều hộ làm giàu được. Bình quân mỗi năm người trồng chè chỉ nghỉ thu hoạch khoảng 3 tháng để cây phục hồi, còn lại 9 tháng đều có thu nhập hàng ngày. Hái chè ngày nào là có tiền ngày ấy. Đời sống ngày càng nâng cao nên bà con rất phấn khởi đầu tư sản xuất, thâm canh trên đồng đất của gia đình mình"

Đồi chè Sơn Kim2 đã trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm của nhiều đoàn du khách

 

Gần chục năm trở lại đây, cây chè công nghiệp đã trở thành cây phát triển kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hàng trăm ha đất nông nghiệp trồng đậu, lạc năng suất thấp đã được bà con chuyển đổi sang trồng chè. Khi mà người nông dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất chè liên kết theo chuỗi giá trị, sản phẩm ngày càng được nâng cao về chất lượng, sản lượng ổn định thì giá trị sản phẩm càng được khẳng định.

Toàn xã hiện có 459ha chè, với 890 hộ liên kết sản xuất với Xí nghiệp chè Tây Sơn, sản lượng hàng năm đạt 5.500 tấn, đem về nguồn thu khoảng 36 tỷ đồng mỗi năm.

Sơn Kim2 xây dựng các chòi cao giữa đồi chè phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm

 

Những năm qua, đảng ủy và chính quyền xã Sơn Kim2 đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Theo đó, nhiều chương trình phát triển nông nghiệp đã được triển khai, như: Chuyển đổi diện tích đất màu năng suất, hiệu quả kinh tế thấp sang trồng Chè; Tập trung phát triển kinh tế vườn rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân thông qua việc thực hiện các dự án trồng rừng tập trung kết hợp với chăn nuôi. Ngoài ra, cấp ủy chính quyền còn giao cho các tổ chức Hội, đoàn thể huy động nguồn vốn ưu đãi để hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật cho các hộ phát triển sản xuất. Đồng thời, thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi nhằm tạo nền tảng cho phát triển sản xuất... Nhờ đó, nông nghiệp nói riêng và đời sống kinh tế nói chung đã có sự chuyển biến tích cực, bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đạt gần 90 triệu đồng; Tổng giá trị thu nhập trong lĩnh vực Nông, lâm nghiệp thủy sản đạt gần 84,2 tỷ đồng mỗi năm. Ông Đặng Đình Thăng - Chủ tịch hội Nông dân xã Sơn Kim2 cho biết: "Hội nông dân xã phối hợp với các hội đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế, chuyển đổi cơ cấu giống cây, con phù hợp; Đồng thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế; phối hợp tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đưa giống cây, con mới vào sản xuất, thâm canh và hỗ trợ nông dân vay vốn phát triển các mô hình kinh tế.... từ đó đã động viên, khuyến khích nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập cao và ổn định"

Từ các chính sách và giải pháp của địa phương, nông dân Sơn Kim2 đã phát huy tiềm năng lợi thế, mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Hiện nay, toàn xã có trên 500 ha rừng keo và trên 200ha rừng được người dân khoanh nuôi bảo vệ nghiêm ngặt. Trong chăn nuôi, nhờ làm tốt công tác phòng dịch và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ chăn nuôi, nên tổng đàn trâu bò đạt 1.300 con, đàn lợn 4.000 con, đàn hươu 1.700 con, đàn gia cầm các loại trên 34.000 con.

Mô hình chăn nuôi hươu gần 30 con của gia đình ông Phan Xuân Hành, thôn Quyết Thắng đem lại nguồn thu trên 300 triệu đồng mỗi năm

 

 

 

Cùng với phát triển kinh tế từ nông, lâm nghiệp, hiện tại xã Sơn Kim2 đang xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể để phát huy tối đa lợi thế của địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ. Theo kịch bản tour, tuyến du lịch của địa phương, khách đến Sơn Kim 2 sẽ qua các thôn có đồi chè đẹp, địa hình thuận lợi như Tiền Phong, Thanh Dũng, Làng Chè… để tham quan, trải nghiệm trồng, thu hái chè, nghiên cứu lâm nghiệp, sinh học; Đồng thời dừng chân nghỉ dưỡng bên các hồ, đập, khe suối để tắm mát và câu cá.  Ông Lê Hồng Phong, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Kim2 cho biết thêm: "Địa phương đã xây dựng đề án, kế hoạch phát triển kinh tế gắn với tiềm năng du lịch. Trước mắt, địa phương sẽ củng cố, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu dân cư mẫu, các điểm dự kiến xây dựng điểm tham quan, trải nghiệm. Trong phát triển kinh tế thì chú trọng sản xuất hữu cơ gắn phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững với du lịch, dịch vụ. Thành lập các tổ nhóm như: Tổ nhóm dịch vụ du lịch; tổ nhóm phát triển chăn nuôi gà hữu cơ, lợn hữu cơ; tổ nhóm ẩm thực khôi phục lại những món ăn bản địa ...khuyến khích các hộ dân tham gia vào xây dựng mô hình du lịch cộng đồng Homestay..."

Những khu vườn mẫu trồng rau sạch của nhân dân địa phương

 

Với hướng đi đúng, giải pháp đồng bộ, xã Sơn Kim 2 đã tạo được sự đổi thay toàn diện trên các lĩnh vực, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đạt trên 54,6 triệu đồng, hộ nghèo chỉ còn 2,86%. Thành công từ các mô hình sản xuất sẽ là động lực để nhân dân địa phương tự tin đẩy mạnh phát triển kinh tế, thúc đẩy các phong trào thi đua trên địa bàn.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.183.648
    Trong năm: 941.676
    Trong tháng: 118.167
    Trong tuần: 29.993
    Trong ngày: 1.147
    Online: 80