Về Hương Sơn hôm nay du khách không chỉ được đắm mình trong những vườn xanh, cây trái trĩu cành, đi trên những tuyến đường hoa sạch đẹp, thưởng thức những đặc sản miền quê mà còn được trải nghiệm những tua tuyến du lịch nông thôn mới lý thú, môi trường sinh thái trong lành, nhiều danh lam thắng cảnh cùng hàng ngàn hecta rừng nguyên sinh nhiệt đới với hệ thực vật đa dạng, phong phú, với hệ thống sông, suối, hồ đập tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hữu tình, làm đắm say lòng người. Một vùng đất với nhiều trầm tích văn hoá, lịch sử cách mạng.

Phát huy lợi thế có nhiều diện tích vườn đồi, người dân Hương Sơn đã đầu tư, phát triển trang trại, gia trại trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp, chăn nuôi...

 

Khi Tổ quốc lâm nguy, Hương Sơn trở thành đất tụ nghĩa. Đã có hai cuộc hội tụ lớn ở đây: Cuộc tụ nghĩa dưới cờ của vua Lê chống giặc Minh đầu thế kỷ XV và cuộc tụ nghĩa dưới cờ Cần Vương của Phan Đình Phùng cuối thế kỷ XIX.

Tiếp nối truyền thống yêu nước và cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Hương Sơn diễn ra sôi nổi. Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động, đêm 30/4/1930, Nhân dân rải truyền đơn, biểu tình kêu gọi người lao động vùng dậy đánh đổ áp bức bóc lột, đấu tranh đòi tăng tiền lương, giảm giờ làm. Truyền đơn, cờ đỏ xuất hiện ở nhiều nơi như: đình, chùa, trường học và cả nhà tên tri huyện Hương Sơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ rộng 1,2 m được ông Đinh Linh, người làng Tứ Mỹ (xã Sơn Châu ngày nay) cắm trên đỉnh Rú Nầm. Phong trào cách mạng ở Hương Sơn ngày càng lên cao, các chi bộ Đảng tiếp tục được thành lập. Tháng 11/1930, Tỉnh ủy Hà Tĩnh cử cán bộ về phụ trách Hương Sơn để tổ chức hội nghị thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời. Hội nghị được tiến hành ở làng Gôi Mỹ (xã An Hòa Thịnh), bầu đồng chí Trần Chí Tín làm Bí thư.

15 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân và Đảng bộ huyện Hương Sơn đã một lòng theo Đảng làm cách mạng, cùng cả nước đứng lên đấu tranh lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay Nhân dân, người dân Hương Sơn được sống trong chế độ mới, độc lập, tự do.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phong trào cách mạng của huyện Hương Sơn đứng trước những thuận lợi rất cơ bản: Huyện ủy lâm thời được thành lập và phát triển được các tổ chức mặt trận Việt Minh hầu khắp ở các thôn từ miền xuôi đến miền ngược. Một không khí náo nức, phấn khởi được sống trong tự do, độc lập bao trùm toàn huyện. Đại bộ phận Nhân dân tin tưởng vào Mặt trận Việt Minh, hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc và tích cực tham gia lực lượng tự vệ.

Tuy nhiên, phong trào cách mạng Hương Sơn đối mặt với những thử thách hết sức gay go, phức tạp: nạn đói, “giặc dốt”, “thù trong, gặc ngoài”... tình thế cách mạng như ngàn cân treo sợi tóc. Đầu tháng 12/1945 Huyện ủy lâm thời tổ chức Đại hội Đảng bộ huyện Hương Sơn ở tại Đồn Điền Sông Con. Đại hội tiến hành trong hoàn cảnh thuận lợi, Trung ương Đảng vừa ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” xác định nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới.

Hưởng ứng lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến”, Đảng bộ, quân và dân Hương Sơn đã nhất tề đứng dậy tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược. Mở đầu là trận chiến đấu oanh liệt của quân dân Hương Sơn bẻ gãy trận càn của giặc pháp ở Napê, đập tan âm mưu đánh chiếm Hương Sơn của bọn giặc. Trong trận chiến đấu này, đồng chí Trần Đình Bé - Chỉ huy trưởng quân sự huyện Hương Sơn - người chỉ huy đã anh dũng hy sinh.

Cùng với việc lãnh đạo chống giặc ngoại xâm, Đảng lãnh đạo Nhân dân khắc phục khó khăn, chống “giặc đói”, diệt “giặc dốt”, các lớp bình dân học vụ được mở khắp các làng xã, ở nhà dân, công sở, đình làng trong toàn huyện... Điển hình trong phong trào diệt giặc dốt ở xã Sơn Thịnh, Hàm Phố. Phong trào bình dân học vụ ngày càng phát triển. Với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”, “Đi học là kháng chiến”, “Mỗi lớp học là một pháo đài”, “Mỗi người thoát nạn mù chữ là một trận thắng lớn”..., mọi người dân hăng hái đi học. Đến cuối năm 1948, huyện Hương Sơn nằm trong tốp đầu của tỉnh về thành tích xóa nạn mù chữ. Xã Bình Dương được báo cáo điển hình ở Hội nghị tổng kết toàn Liên khu. Bà Nguyễn Thị Phiến (xã Bình Dương), 65 tuổi là học viên học xóa mù chăm chỉ, học giỏi được Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng một chiếc áo lụa.

Trong giai đoạn 1948-1950 huyện Hương Sơn được xem là một vùng an toàn trong chiến khu Đức - Hương - Hương của tỉnh Hà Tĩnh. Hương Sơn đã củng cố hậu phương vững mạnh, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc, chung sức chiến đấu với Bình - Trị - Thiên, thực hiện những nhiệm vụ quan trọng: Đón nhận cán bộ, đồng bào tản cư ra Hà Tĩnh; đón và nuôi mấy chục học sinh từ các trường ở Quảng Bình, Quảng Trị ra để học tiếp; đón Trường Thiếu sinh quân Liên Khu IV từ Thanh Hóa vào đóng tại xã Thịnh Văn và Mỹ Hòa; Đón nhận xưởng quân giới Hà Huy Tập từ Quảng Bình sơ tán đến Bình Dương; đón nhận xưởng quân giới Hoàng Văn Thụ từ Liên Khu III về đóng tại xã Kim Hoa; Đón tiếp ân cần, chu đáo xưởng ấn loát tài chính Trung Bộ... Nhân dân Hương Sơn làm tròn và vượt mức nhiệm vụ chi viện chiến trường Bình - Trị - Thiên, đón tiếp và ủng hộ các đơn vị bộ đội, công nhân và đồng bào tản cư đến địa phương. Thanh niên hăng hái xung phong tòng quân. Tình quân - dân, công - nông ngày càng thắm thiết.

Trải qua chặng đường gian lao, thử thách, chống thù trong, giặc ngoài và chống thiên tai khắc nghiệt, Đảng bộ huyện ngày càng lớn mạnh cả số lượng và chất lượng, cũng như tổ chức và năng lực; phát huy cao độ truyền thống yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, truyền thống hiếu học lâu đời của Nhân dân trong huyện để xây dựng Hương Sơn thành hậu phương an toàn, vững chắc, làm tròn nhiệm vụ đón nhận các cơ quan, cơ xưởng sơ tán và đồng bào tản cư; không tiếc sức người, sức của chi viện cho tiền tuyến và cung cấp cho cả nước nhiều cán bộ, nhiều thanh niên có trình độ cao. Ngoài mặt trận, con em Hương Sơn chiến đấu anh dũng, tiêu biểu như đồng chí Trần Hành (quê ở Sơn Châu) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 465 người con của Hương Sơn đã anh dũng hy sinh để góp phần đem lại chiến thắng,  đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp ở nước ta.

10 năm hòa bình trên miền Bắc (1954-1964) Đảng bộ Hương Sơn lãnh đạo Nhân dân nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa; Trong 10 năm 1965-1975, Hương Sơn luôn vượt chỉ tiêu trên giao về tuyển quân, tuyển thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cả về số lượng cũng như thời gian và là đơn vị dẫn đầu tỉnh về thành tích tuyển quân. Bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến của huyện luôn nêu cao ý chí quật cường, anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đầu năm 1975, để chi viện cho chiến trường Trị - Thiên - Huế trong cuộc tổng tiến công nổi dậy, chỉ tiêu tuyển quân của huyện được giao gấp 3 lần số quân của 2 năm trước cộng lại. Đảng bộ đã phát huy truyền thống, dựa vào các đoàn thể, phát động phong trào “Ba cử, hai nguyện” (Đoàn thể cử, gia đình cử, cơ quan và hợp tác xã cử; gia đình tự nguyện, bản thân tự nguyện). Tuổi trẻ Hương Sơn đã nô nức tòng quân. Toàn huyện đã có trên 5.000 người nhập ngũ, 700 người đi thanh niên xung phong, hàng vạn lượt người đi dân công hỏa tuyến; 2.112 con em Hương Sơn đã vĩnh viễn nằm xuống trên các chiến trường và 1.877 người đã hy sinh một phần xương máu của mình và hàng vạn người dân Hương Sơn đã hy sinh tài sản, xương máu của mình đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước.

Với những đóng góp to lớn trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 22/12/1994 Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Hương Sơn được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Huyện Hương Sơn có 20 tập thể, 06 cá nhân được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang; 227 mẹ Việt Nam anh hùng; 111 cán bộ lão thành cách mạng; 85 cán bộ tiền khởi nghĩa. 

Ngày 30/4/1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kết thúc thắng lợi. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơn tiếp tục cùng Nhân dân cả nước bắt tay vào quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết những khó khăn về kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới (1975-1986) và tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo (1986-nay), là quá trình tạo lập giá trị và tiếp nối, chuyển hóa các giá trị truyền thống cách mạng trong bối cảnh mới, là sự chuyển hóa những giá trị, truyền thống trong đấu tranh giải phóng dân tộc vào sự nghiệp xây dựng quê hương, chiến thắng đói nghèo, lạc hậu; chuyển hóa tiềm năng và nội lực của địa phương để kết nối với nguồn ngoại lực trong quá trình phát triển; chuyển hóa những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc và tố chất của quê hương vào thời kỳ hội nhập.

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Chủ động nắm vững tình hình, tận dụng lợi thế, khắc phục khó khăn, bổ sung kịp thời các chủ trương, giải pháp tăng cường xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, phát huy dân chủ, đoàn kết, kỷ cương, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế; phấn đấu đến năm 2025 xây dựng Hương Sơn trở thành huyện nông thôn mới bền vững, đô thị phát triển, văn minh; quốc phòng an ninh đảm bảo, trật tự an toàn xã hội ổn định./.

                                                                           


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.183.754
    Trong năm: 941.676
    Trong tháng: 118.167
    Trong tuần: 29.993
    Trong ngày: 1.252
    Online: 139