Cách đây hơn 550 năm danh xưng (năm 1469), từ tên gọi huyện Đỗ Gia được đổi thành huyện Hương Sơn, lần đầu tiên tên Hương Sơn được xướng lên đầy kiêu hãnh và tự hào, địa danh Hương Sơn từ đây đã ổn định trên bản đồ hành chính của các thể chế Nhà nước.

Là vùng đất nằm tựa lưng vào dãy Trường Sơn, với vị trí địa chiến lược quan trọng đối với công cuộc mở cõi về phương Nam và phòng thủ sườn biên giới phía Tây Nam, huyện Hương Sơn có truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng; truyền thống cần cù, sáng tạo, tinh thần vượt khó vươn lên trong lao động sản xuất; truyền thống hiếu học, khoa bảng; truyền thống yêu nước và đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Lớp lớp cư dân trên mảnh đất Hương Sơn đầy nắng và gió đã biết tận dụng hệ sinh thái đa dạng để phục vụ sản xuất và đời sống, từ phát triển kinh tế vườn rừng, thu hái thảo mộc để chữa bệnh, chọn lọc các giống cây con bản địa để tạo nên các sản phẩm riêng có như cây cam Bù, nghề nuôi hươu nổi tiếng khắp cả nước; phát triển nghề nấu kẹo Cu-đơ, một đặc sản không thể thiếu của du khách thập phương mỗi khi đi qua Hà Tĩnh; khai thác nguồn lợi thủy sản quý hiếm như cá mát Ngàn Phố để rồi nhạc sĩ Trần Hoàn phải thốt lên những ca từ sâu nặng về “con cá mát với bát chè xanh” như neo đậu trong trái tim và tìm cảm của người dân Hương Sơn chân quê mà nặng tình, chung thủy, để rồi những ai đến với Hương Sơn, như bị níu giữ, lưu luyến và bịn rịn...  

Những con người Hương Sơn nhân nghĩa, thủy chung ấy, trước sau bất nhất, đời này sang đời khác luôn có tinh thần trượng nghĩa, dũng cảm, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, không cam chịu thân phận nô lệ.

Dựa vào địa thế núi sông hiểm trở thuận lợi cả phòng thủ và tấn công, phát huy tinh thần yêu nước quật cường của Nhân dân, trong các cuộc đấu tranh cho dân tộc, Hương Sơn thường được chọn làm căn cứ địa. Từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thế kỷ XV góp phần đánh tan giặc Minh cho đến cuối thế kỷ XVIII, nhiều người con Hương Sơn đã gia nhập nghĩa quân Tây Sơn, góp phần tiêu diệt giặc Thanh, giải phóng đất nước; cuối thế kỷ XIX, trên địa bàn huyện Hương Sơn đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa, tiêu biểu là khởi nghĩa Phan Đình Phùng, dựa vào thế “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, Hương Sơn trở thành một địa bàn quan trọng huy động nhân lực, vật lực, tài lực, lập thành căn cứ địa chống Pháp. Những người con Hương Sơn trở thành các danh tướng, thao lược tài giỏi.

Ngày nay, phát huy truyền thống lịch sử, văn hoá, cách mạng, Đảng bộ và Nhân dân Hương Sơn đã trải qua chặng đường lịch sử vô cùng vẻ vang. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/2/1930), Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập cuối tháng 3/1930, chỉ sau chưa đầy một tháng, vào tháng 4/1930 trên địa bàn huyện Hương Sơn có 5 chi bộ Đảng được thành lập trong thời gian này, với 17 đảng viên, gồm: chi bộ Tứ Mỹ, chi bộ Trường Thịnh Xá, chi bộ ghép Phố Châu - Tình Diệm, chi bộ Đông Trung, chi bộ Đông Tràng. Các chi bộ Đảng ngay sau khi ra đời đã tổ chức rải truyền đơn, cờ đỏ xuất hiện ở nhiều nơi như: đình, chùa, trường học và cả nhà tên tri huyện Hương Sơn. Lần đầu tiên trong lịch sử, lá cờ đỏ rộng 1,2m được ông Đinh Nho Linh, người làng Tứ Mỹ (xã Sơn Châu ngày nay) cắm trên đỉnh Rú Nầm. Sự kiện này tác động mạnh mẽ đến tinh thần của quần chúng Nhân dân lao động, tiếp đến phong trào chống sưu cao, thuế nặng diễn ra khắp nơi, làm lung lay chính quyền tay sai ở nhiều xã thôn, thiết lập chính quyền Xô-viết thực thi nhiều chính sách tiến bộ.

Qua rèn luyện, thử thách trong các phòng trào đấu tranh, đã có nhiều quần chúng ưu tú của huyện được kết nạp Đảng. Đến cuối năm 1930, Đảng bộ huyện Hương Sơn đã có 14 chi bộ - 63 đảng viên.

Sau khi “Nghệ Tĩnh đỏ” bị đàn áp, nhiều đảng viên, cốt cán bị bắt, tù đày, hy sinh, một bộ phận tiếp tục rút vào hoạt động bí mật, tìm các phương thức đấu tranh thích hợp trong cao trào dân chủ 1936-1939, cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1939-1945. Các đồng chí Nguyễn Mật, Hồ Hảo và nhiều tấm gương oanh liệt khác đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để khôi phục, lãnh đạo phong trào và đưa cách mạng tiến lên.

Ngày 18/8/1945, khắp nơi trong toàn huyện đã tổ chức mittin, trống mõ vang dội. Tại Làng Tình Diệm, địa phương được chọn thí điểm của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi đã khôi phục nền độc lập dân tộc và giành chính quyền làm chủ cho Nhân dân, chính quyền cách mạng được thiết lập từ huyện đến xã, ra sức thi hành chính sách chống “giặc đói”, “giặt dốt” và “giặc ngoại xâm”. Thời điểm này, Đảng bộ huyện Hương Sơn chỉ đạo Nhân dân tăng gia sản xuất, với khẩu hiệu: “Tấc đất tấc vàng”, “Không bỏ ruộng hoang”; mở các lớp bình dân học vụ khắp các làng xã, ở nhà dân, công sở, đình làng trong toàn huyện... Điển hình trong phong trào diệt giặc dốt ở xã Sơn Thịnh, Hàm Phố,...

Lần đầu tiên trong đời, người dân Hương Sơn vui vẻ, phấn khởi trong Ngày bầu cử Quốc hội, hơn 90% cử tri Hương Sơn nô nức đi bỏ phiếu. Ngày Tổng tuyển cử thực sự là ngày hội non sông, con em Hương Sơn vinh dự và tự hào được giới thiệu để bầu vào đại biểu Quốc hội và trúng cử trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đó là đồng chí Trần Bình (quê ở xã Sơn Châu - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hương Sơn), đồng chí Lê Lộc (quê xã Sơn Tân, nay là xã Tân Mỹ Hà -Chủ tịch Ủy ban Quân sự tỉnh), đồng chí Lý Chính Thắng (quê xã Sơn Lễ, là một cán bộ lãnh đạo Tổng công đoàn Nam Bộ).

Trong giai đoạn 1946-1954, Đảng bộ quan tâm xây dựng hậu phương vững chắc, chi viện cho tiền tuyến kháng chiến chống thực dân Pháp, trong giai đoạn này lực lượng vũ trang phát triển mạnh mẽ. Ban Chỉ huy Quân sự Hương Sơn được thành lập ngày 26/7/1947, với 20 cán bộ và chiến sĩ, do ông Nguyễn Mỹ làm Huyện đội trưởng và ông Trần Đình Chi làm Huyện đội phó. Bộ đội, dân quân, du kích hăng hái luyện tập, diễn tập tác chiến trong từng xã, hợp đồng chiến đấu giữa các xã, giữa bộ đội chính quy và dân quân, hướng dẫn nhân dân phòng tránh, tản cư và phục vụ chiến đấu.

Cùng với việc xây dựng lực lượng dân quân, du kích, công tác bảo mật phòng gian, giữ vững an ninh trật tự cũng được đặc biệt chú trọng. Các đoàn thể quần chúng giáo dục, vận động nhân dân lập các tổ liên gia và thực hiện “3 không” (không thấy, không nghe, không biết) để giúp nhau giữ gìn an ninh và bí mật kháng chiến. Tháng 10/1947, Ban Công an được thành lập từ xã đến huyện. Trong giai đoạn 1946-1954, nhiều người con Hương Sơn trên các chiến trường đã chiến đấu anh dũng, tiêu biểu có đồng chí Trần Hành (quê ở Sơn Châu) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 465 người con của Hương Sơn đã anh dũng hy sinh để góp phần đem lại chiến thắng vinh quang cho Tổ quốc.

Có thể nói, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và Nhân dân Hương Sơn đã anh dũng chiến đấu, sản xuất, làm tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn, lập nên những chiến công vang dội. Những tên đất, tên làng như: Linh Cảm, Đập Choi, Cầu Nầm, Cầu Kè, Đường 71… đã đi vào ký ức của mỗi người. Với những đóng góp to lớn đó, ngày 22/12/1994 Nhân dân và lực lượng vũ trang huyện nhà vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cùng 20 xã, đơn vị và 6 cá nhân được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân; 227 bà mẹ được phong tặng, truy tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2.838 người con ưu tú của quê hương đã ngã xuống, và nhiều thương binh, bệnh binh đã để lại một phần xương máu trên các chiến trường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.

Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân huyện Hương Sơn luôn nên cao truyền thống cách mạng, bằng ý chí, nghị lực và trí tuệ của chính mình, đã vươn lên giành những thành tích, kết quả to lớn trên các lĩnh vực, kinh tế ngày càng phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị ngày càng được củng cố và tăng cường.

Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ khóa XXIII, huyện nhà đã dành được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Kinh tế tiếp tục phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển biến theo hướng tích cực: Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 46,06 triệu đồng/người, tăng 16,84% so với 2020; Thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt 332,55 tỷ đồng; toàn huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 142 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 78,89% kế hoạch); huyện Hương Sơn được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; có 48 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, đạt 60% kế hoạch. Tiêu biểu là các sản phẩm chế biến từ Nhung Hươu, Cam chanh, Chè Tây Sơn, Nem chua Ý Bình… Xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm nhung hươu, Cam Sơn Mai, Sơn Trường...

Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao diễn ra rộng khắp và ngày càng đi sâu vào chất lượng; giáo dục, y tế được đánh giá ở tốp đầu của tỉnh; an sinh xã hội được đảm bảo; phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” được triển khai rộng khắp, có hiệu quả thiết thực. Huy động các nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, gia đình có công, hộ nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến tích cực; Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,16%.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng được tiến hành đồng bộ, toàn diện, đến nay 5/5 chỉ tiêu trên lĩnh vực xây dựng Đảng cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đảng bộ huyện năm 2021 được xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2022 được xếp tốp đầu và được BTV Tỉnh ủy tặng Bằng khen về công tác XD Đảng; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội, các ban xây dựng Đảng hàng năm được cấp trên xếp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nằm trong tốp đầu của tỉnh.

Trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của huyện Hương Sơn hơn 550 năm, khoảng thời gian 93 năm (1930-2023) dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói là khoảng thời gian chưa dài so với lịch sử dân tộc Việt Nam nói chung và lịch sử vùng đất Hương Sơn nói riêng, nhưng đó là một chặng đường lịch sử hết sức sôi động, hào hùng và rất đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hương Sơn.

Kể từ khi được thành lập đến nay, Đảng bộ huyện Hương Sơn đã không ngừng lớn mạnh, với 47 tổ chức cơ sở Đảng và 9.159 đảng viên, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân trong huyện viết nên những trang sử vẻ vang. Với những kết quả đạt được, Đảng bộ hết sức coi trọng xây dựng khối đoàn kết thống nhất từ trong Đảng bộ đến Nhân dân cả về ý chí, tư tưởng và hành động. Ở mỗi thời kỳ lịch sử cụ thể, các cấp ủy đảng luôn bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến và tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, từ đó có biện pháp phù hợp, đáp ứng quyền lợi chính đáng của Nhân dân, không ngừng củng cố chăm lo đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho Nhân dân, việc gì có lợi cho dân luôn cố gắng làm.

Tự hào về Đảng quang vinh, về Bác Hồ vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng Hương Sơn luôn khẳng định niềm tin sắt son, một lòng theo Đảng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, nêu cao trách nhiệm trong lao động, học tập, công tác, tăng cường đoàn kết nhất trí, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2023 và những năm tiếp theo./.

 

 

                                                                                  


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.183.900
    Trong năm: 941.676
    Trong tháng: 118.167
    Trong tuần: 29.993
    Trong ngày: 1.390
    Online: 101