Phố Châu là một phần đất của Phố Dương xưa thuộc đời Tấn Vũ Đế (362–396) là vị Hoàng đế thứ 9 của nhà Đông Tấn, và là Hoàng đế thứ 14 của Nhà Tấn trong lịch sử Trung Quốc), về sau Phố Dương được phân chia thành 2 xã là Phố Châu và Phúc Dương.

Thuyền buôn tấp nập trên sông ở chợ Phố Châu xưa..

 

Phố Châu trước năm 1945 thuộc Phố Châu xã và Tình Di xã, đến năm 1946 nhập Phố Châu xã và Tình Di xã thành xã Hàm Phố, đến năm 1954 tách xã Hàm Phố thành 2 xã Sơn Phố, Sơn Hàm.

Còn xã Phúc Dương trước đây gồm cả Sơn Phú và Sơn Trung

Thuở khai thiên lập địa vùng đất Hương Sơn chưa có huyện lỵ, cư dân nơi đây đã tụ tập trên thuyền bè quây quần với nhau ở bến Đỗ Gia, gọi là trại Đỗ Gia. Sau một thời gian huyện lỵ được di dời sang Thổ Hoàng gọi là trại Thổ Hoàng (thuộc vùng đất Hương Khê). Về sau lại dời về thôn Long Ốc (nay là chợ Tàng xã Sơn Long)

Năm 1867 huyện lỵ từ Long Ốc (Sơn Long) được chuyển về Xa Lang (Sơn Tân). Đời Duy Tân chuyển về làng Phúc Nghĩa (xã Sơn Ninh). Đến đầu thế kỷ XX thì di dời huyện lỵ về Phố Châu.

Trong các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ thì huyện lỵ Hương Sơn được chuyển về ẩn náu ở các vùng nông thôn.

Ngã tư Phố Châu trước những năm 1980

 

Sau năm 1954 hòa bình lập lại, cơ quan huyện được dời về đóng ở phía cuối xã Sơn Phố (nay là vùng đất của thị trấn Phố Châu giáp xã Sơn Trung)

Năm 1977 các cơ quan của huyện được chuyển về Nầm để xây dựng thị trấn, đến năm 1987 thị trấn Hương Sơn lại được chuyển từ Nầm về Phố Châu.

Trở về Phố Châu, huyện đã cắt 2 xóm của xã Sơn Phố và xóm Kẻ Mui của xã Sơn Trung để thành lập thị trấn Phố Châu.

Ngày 2/8/1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/1999/NĐ-CP, sáp nhập xã Sơn Phố vào thị trấn Phố Châu.

Phố Châu là một vùng đất có chùa Cao (chùa Nhiễu Long) là ngôi chùa cổ của vùng đất Hà Tĩnh được xây dựng trên núi cao, đứng ở tam quan của chùa ta có thể nhìn thấy bốn phía núi non của vùng đất Hương Sơn: Phía sau của chùa là dãy núi Hùng Sơn (dãy Trường Sơn, biên giới Việt - Lào); trước mặt là dãy Kê Quan Sơn (núi Mồng gà); phía Nam là dãy Đại Hàm; phía Bắc là dãy núi Thiên Nhẫn. Các nhà phong thủy cho đây là nơi hội tụ linh khí trời đất của vùng đất Hương Sơn.

Cảnh trên bến dưới thuyền của phiên chợ Phố xưa…

 

Chợ Phố là trung tâm buôn bán của vùng thượng huyện và là chợ thuộc loại to nhất, nhì huyện Hương Sơn, chợ họp hai ngày một phiên. Đây là nơi giao thương buôn bán các đặc sản của miền quê vùng thượng huyện như: chè, cau, trầu, mít, cam, bưởi, cá tươi đánh bắt từ sông Ngàn Phố và các loại gỗ, nứa, tre, mây, than củi… ở các vùng rừng núi. Vì vậy, thuyền, bè, đò lái buôn từ khắp mọi vùng miền như chợ Bè, chợ Choi ở hạ huyện; chợ Thượng… ở Đức Thọ và các vùng khác… đều đến đây để buôn bán, và từ đây các chuyến đò buôn đã tỏa khắp mọi nơi để vận chuyển hàng hóa. Thuyền bè còn lên cả vùng thượng như chợ Hà Tân và các miền sơn cước Sơn Hồng, Sơn Tây, Sơn Kim. Cũng từ đây, nhiều gia đình ở Phố Châu đã vượt sang cả nước bạn Lào, Thái Lan để buôn bán, làm ăn, một thời gian sau một số gia đình lại trở về Phố Châu, họ tụ tập xung quanh chợ Phố để mở các hàng quán buôn bán. Ven quốc lộ 8A (cũ) sát bờ sông Ngàn phố các hàng quán cơm, phở, cháo… và các đồ uống cà phê, chè xanh, kẹo Cu Đơ, chè thập cẩm… mọc lên như nấm. Phố Châu một thời, nhất là những năm cuối của thập kỷ 70, 80 và những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20 là một tụ điểm sôi động của cánh lái xe chở gỗ và hàng hóa từ Việt Nam sang Lào và từ Lào về Việt Nam, họ dừng chân nơi đây để thưởng thức các món ăn ngon và những đặc sản quý hiếm của vùng quê này và được làm bạn với những cô gái xinh đẹp của vùng đất Hương Sơn.  

Cửa ngõ vào thị trấn Phố Châu ngày nay…

 

  Chợ Phố một thời tấp nập trên bến dưới thuyền rất đông vui. Để đáp ứng thuyền buôn, những người thợ đóng thuyền ở vùng chợ Thượng Đức Tân (Đức Thọ) đã lên đây lập nghiệp và mở xưởng đóng thuyền, dần dần nơi đây trở thành một làng nghề đóng thuyền (nôốc) ngày ngày luôn rền vang tiếng cưa, tiếng đục, tiếng búa của người thợ:

Chợ Phố đóng nôốc, đóng thuyền

Đò xuôi chợ tỉnh, ngược miền Hà Tân.

Ngày nay, diện mạo của thị trấn Phố Châu đã ngày càng thay đổi và đang từng bước tiến lên văn minh, hiện đại. Phố Châu đã trở thành một vùng đất với đa sắc màu về lối sống, nếp sống văn hóa. Từ phía bên đường Quốc lộ 8A giao nhau với đường Hồ Chí Minh bao quanh một vùng ra đến bờ sông Ngàn Phố là các cơ quan hành chính cấp huyện và các cơ quan nhà nước khác đóng trên địa bàn. Các khối phố trong khu vực này là cán bộ công nhân viên chức và các hộ gia đình buôn bán ở khắp mọi miền đến đây sinh sống. Họ mang lối sống, nếp sống và truyền thống văn hóa của nhiều vùng quê đến đây để cùng chung sống với nhau. Phía bên kia đường Quốc lộ 8A là xã Sơn Phố cũ là vùng đất có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Trước đây xã Sơn Phố và xã Sơn Hàm gọi là xã Hàm Phố. Vùng đất Sơn Phố nằm lọt giữa 2 vùng đất có tên làng Việt cổ là Kẻ De và Kẻ Mui trong cùng một xã Hàm Phố. Kẻ De là vùng đất không có chợ, chịu ảnh hưởng của lối sống tự cung, tự cấp nên mới có câu ca:

Lấy chồng thì lấy kẻ De

Cơm cày, cá đó, nước khe, củi rừng.

 Còn vùng đất kẻ Mui là vùng đất có nhà thờ Thiên Chúa Giáo thuộc loại lớn của huyện Hương Sơn vì vậy ở vùng này không có đình, chùa nên mới có câu ca:

Bao giờ Kẻ Mui có đình

Kẻ De có chợ thì mình lấy ta.

Diện mạo của thị trấn Phố Châu ngày nay.

 

          Quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của vùng đất Phố Châu là một trong những yếu tố tạo nên nền tảng văn hóa truyền thống của một vùng quê, là yếu tố không thể thiếu trong đời sống tinh thần của quần chúng nhân dân.

Trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay việc khơi dậy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cha ông để lại nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh là việc làm có ý nghĩa hết sức to lớn và thiết thực./.

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.024.955
    Trong năm: 986.325
    Trong tháng: 106.538
    Trong tuần: 30.501
    Trong ngày: 48
    Online: 106