Mỹ Long là tên gọi của vùng đất thuộc xã Sơn Long và Sơn Trà ngày nay. Trước năm 1948 đến năm 1950 vùng đất này được sáp nhập từ xã Dĩ Long và xã Đôn Mỹ thành xã Mỹ Long. Lịch sử của các làng quê đã trải qua nhiều lần thay đổi, trước tháng 8/1945 vùng đất này thuộc các thôn: Trại Đầu, Long Óc thôn, Sùng Óc thôn, Đôn Mỹ thôn. Đến năm 1946 nhập thôn Trại Đầu, Long Óc thôn thành xã Dĩ Long; Nhập Sùng Óc thôn, Đôn Mỹ thôn thành xã Đôn Mỹ.

Đền cả xã Sơn Trà.

 

Mỹ Long là vùng đất trước đây từ thế kỷ XIV hai cha con Trạng nguyên Sử Hy Nhan và Sử Đức Huy đã trốn sự truy lùng của giặc Minh từ phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh lên đây ẩn mình dưới chân núi Mồng Gà, từ đó đã khai phá đất đai, quy tập dân làng, lập nên thôn Trại Đầu mà dấu tích ngày này còn có vùng đất Bãi Trạng thuộc xã Sơn Long. Theo thời gian, thôn Trại Đầu được mở rộng và phát triển về phía Đông và hai bên chân núi Mồng Gà, hình thành các nên làng, xóm thuộc các xã: Ân Phú (Vũ Quang), Sơn Long, Sơn Trà (Hương Sơn). Theo sử sách để lại thì vùng đất này vào năm Bính Thân (1776) dưới triều Lê có tên gọi là Liệt Đồn và sau này được đổi thành xã Đôn Mỹ.

 Đôn Mỹ (thuộc vùng đất xã Sơn trà ngày nay) là một vùng đất mà dân cư đã tụ tập sinh sống với nhau ở những đồi núi thấp, liền kề nhau, tập trung nhiều ở các vùng đồi núi thuộc các xóm như: xóm Hầu, xóm Đu, xóm Ri, xóm Trè, xóm Tràng, xóm Hội, xóm Trửa, xóm Hương,  xóm Đình. Các cụm dân cư ở đây được hình thành chủ yếu theo tông tộc, sau này các dòng họ khác sống xen vào do sự giắm dân qua các thời kì lịch sử. Vùng đất Đôn Mỹ Có nhiều dòng họ cùng chung sống như họ Lê Hầu Sại, họ Lê Quận Công, họ Thái, họ Phan, họ Phạm, họ Nguyễn…, từ đó vùng đất này ngày càng phát triển và đã tạo nên những giá trị truyền thống văn hóa đậm đà, giàu bản sắc. Tại đây theo tiến trình lich sử còn tồn tại các tên gọi như: Cồn Chăm gắn với sự kiện quân Chăm Pa chiếm đóng vào thế kỷ thứ X, đồng Cụt, nhà U, nhà Sở được khai phá từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, hệ thống hói, bàu phân bố trên địa bàn là nơi phân chia địa giới hành chính và giao thông của xã.

Đình làng Đôn Mỹ (xã Sơn Trà).

 

Dĩ Long (thuộc vùng đất xã Sơn Long ngày nay) là vùng đất phần lớn nằm ở ven bờ sông Ngàn Sâu - nơi có bến Tam Soa, Ghềnh Tàng, vực Ác, có chợ Tàng một thời là nơi đặt trụ sở huyện lỵ của huyện Đỗ Gia xưa, nay là huyện Hương Sơn, vùng đất này gắn liền với các đồi núi như: rú Bù, rú Ngai, rú Ngãy, rú Kỵ, rú Vương (Vương Tự Sơn)…            

 Mỹ Long là vùng đất có nhiều kiến trúc đền, chùa, đình, miếu cùng với hệ thống nhà thờ của các dòng họ đã tạo thành một không gian văn hóa tâm linh đa dạng phong phú.

Đền thờ Lê Hầu Sại (Lê Hữu Dung) tại thôn 3 xã Sơn Trà

 

 Đền Cả, còn có tên gọi là điện Kim Sơn, đền được xây dựng vào thời Lý, tọa lạc dưới chân núi Mồng Gà. Đền thờ các vị thần như: Kê quan sơn, Trà sơn công chúa, đệ Tam Thánh Mẫu, Cao sơn Cao các và đức Thánh Cả là những vị thần đã phù trì bảo hộ giữ bình yên cho dân làng.  Đền Cả được xây dựng trên một triền đất cao, rộng, dưới chân núi Mồng Gà. Phía trước mặt đền là làng quê, tiếp đến là đồng ruộng. Tại đền Cả có câu đối:

“Kê Sơn ngật lập cương thường trụ

Lý đại trường lưu đới (đái) lệ thư”.

 

Nội dung câu đối này được nhiều thế hệ người dân nơi đây giải nghĩa rằng:  Kê Sơn là núi Mồng Gà (Núi có hình thế giống như đầu con gà trống).

          Ngật lập: Ngật nghĩa là cao, Lập là dương. Trời đất đã tạo dựng cho núi Mồng Gà có một thế đứng với độ cao nổi trội hơn hẳn so với các nơi khác ở trong vùng, là chỗ dựa vững chắc cho đạo lý tam cương, ngũ thường, là “khuôn vàng, thước ngọc” là cơ sở của sự tồn tại, bền vững của các vương triều.

          Còn Lý đại trường lưu, đới (đái) lệ thư. Nghĩa là: Triều đại nhà Lý đã trường tồn việc này (đới này) và đã được sử sách ghi chép lại.

          Đây là khát vọng của cộng đồng dân cư dưới chân núi Mồng Gà luôn mong muốn có được cuộc sống thanh bình, mọi người dân ai cũng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, ai cũng được học hành và người dân nơi đây luôn coi trọng những  người có trí tuệ uyên thâm và có nhân cách cao đẹp.

Đình làng Đôn Mỹ được xây dựng vào thế kỷ XIX, là một ngôi đình lớn nằm ở vị trí trung tâm của làng. Đình mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, cột đình được làm bằng gỗ lim, trang trí họa tiết hoa văn độc đáo vẽ rồng chầu trên ván gỗ khép kín. Không gian đình Đôn Mỹ thoáng rộng rất thuận tiện cho việc hội họp và hành lễ của dân làng. Đình làng Đôn Mỹ là nơi chứng kiến nhiều biến cố lịch sử của làng, năm 1930 đội Tự vệ đỏ và Nông Hội đỏ được thành lập tại đình và trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đình làng là nơi tập hợp của quần chúng nhân dân mít tinh biểu tình chống chế độ phong kiến và thực dân Pháp. Sau cách mạng tháng 8-1945, đình làng Đôn Mỹ là trụ sở làm việc của Ủy ban cách mạng, nơi mở lớp Bình dân học vụ để xóa nạn mù chữ cho dân. Năm 1960, đình làng Đôn Mỹ là nơi chứng kiến sự ra đời của Đảng bộ xã Sơn Trà. Trải qua bao thăng trầm của thời gian đình làng Đôn mỹ là nơi gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng của cư dân nơi đây.

 Tại thôn 3, xã Sơn Trà ngày nay, xưa kia gọi là xóm Hầu có ngôi đền thờ Lê Hầu Sại. Đền được xây dựng từ rất lâu và được dựng lại lần thứ hai vào năm Tân Tỵ 1931. Trong đền thờ có bức Đại Tự gồm ba chữ Hán “Đức Khả Quan” (Đức Khả Xem) có nghĩa là đức độ của dòng họ Lê Hầu cũng rất đáng được quan tâm đấy, và trước hai cột chính đền thờ có đôi câu đối:

“Cương thường trụ thạch Kiều Sơn Thọ.

Đạo ngãi căn cơ ốc thủy trường”.

 

            Đứng trước đền thờ người ta có cảm tưởng như đang được tắm mình trong ánh hào quang rực rỡ phát ra từ tấm lòng nhân ái bao la của một bậc tiền nhân mà công đức được rải rộng ra trong không gian bao la, đã sưởi ấm lòng người mọi thế hệ.

Vị thần được thờ trong ngôi đền này là Lê Hữu Dung tức là Lê Hầu Sại là người đã từng giữ chức Bố chánh ở Lạng Sơn và được nhà Lê trung hưng phong tước Hầu. Sắc phong “Phụ kê quan sơn, Hiển cung đại phu Lạng Sơn xứ, hậu tham nghị Thận tu thiếu doãn thừa chánh sứ”.

Lê Hữu Dung (Lê Hầu Sại) được sinh ra trong một gia đình có truyền thống, cốt cách, có chí tu thân ở đất Thăng Long và ông đã từng làm quan nhiều năm tại vùng biên ải Lạng Sơn nên được bồi đắp thêm truyền thống văn hóa xứ Lạng và Đế đô Thăng Long, từ đó đã hun đúc nên cốt cách ở ông một con người rất coi trọng truyền thống gia đình, dòng họ. Khi trở về làng Đôn Mỹ để định cư và sinh sống, Lê Hầu Sại đã luôn lấy việc học hành, giáo huấn làm cơ sở để vun đắp dòng họ và ông đã thường xuyên chăm lo đến đời sống của nhân dân. Gặp khi ngày ba tháng tám, lúc giáp hạt đói khổ Hầu đã mở kho thóc, gạo của dòng họ để cứu trợ cho dân làng, Hầu cho tu sửa mở mang đường sá, mở con đường từ ngã ba đồng Ri qua đồng Chiếng để đi ra phía đình làng. Hầu cúng ruộng đất cho làng để xây dựng các công trình văn hóa, xây dựng đình chùa. Số ruộng Hầu cúng cho làng có trên 20 mẫu. Hầu hô hào động viên và đứng ra chủ trì việc xây dựng đền Cả để thờ Thành Hoàng. Từ đó công ơn của Hầu dần dần được thấm sâu trong đời sống nhân dân.

Để ghi nhớ công lao của Lê Hầu Sại, nhân dân nơi đây đã đặt tên làng bằng tên Hầu - xóm Hầu, đặt tên giếng nước trước làng mình bằng giếng Hầu. Đến thời kỳ xây dựng hợp tác xã, nhân dân đã đặt tên vùng kho hợp tác xã cũng bằng tên Hầu (kho Hầu), đặt tên đường đi từ vùng kho đi ra đồng bằng tên Hầu (đường Trục Hầu) và nhân dân đã tự đứng ra lập đền để thờ Lê Hầu Sại.

Lăng Lê Tổ Mộ tại thôn 3 xã Sơn Long

 

          Dưới chân rú Vương (Vương Tự Sơn) thuộc xã Dĩ Long xưa, nay là thôn 3 xã Sơn Long có lăng mộ tổ của họ Lê với lời đề “Lê tổ mộ” (bằng chữ Hán). Lăng mộ được xây dựng từ đời nào không ai nhớ và đã được nhiều lần tu sửa. Tương truyền đây là nơi quan Hầu Lê Hữu Dung cho xây dựng để thờ tự tổ tiên dòng tộc Họ Lê. Trước cổng vào lăng có hai cột cây nanh. Bốn mặt của hai cây cột có bốn đôi câu đối bằng chữ Hán, nhưng tiêu biểu nhất là đôi câu đối ở phía mặt trước.

“Xung thiên đối bút phong,

Thị địa bồi nhân mạch”

Câu đối này có nghĩa là: Vùng đất này luôn vun đắp nên nhân cách và tài năng cho cho các thế hệ con cháu trong dòng tộc và nhân dân trong vùng, nhưng nhân cách và tài năng phải được vươn cao, vươn xa tầm thời đại (ngọn bút trí tuệ và nhân cách phải được vươn lên trời cao)

Tại khu lăng mộ này hàng năm cứ đến Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Bảy con cháu trong dòng tộc và nhân dân trong vùng lại tụ tập về đây dâng nén hương thơm để tưởng niệm và tri ân bậc thánh hiền và tiên tổ.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc các địa giới hành chính của các làng, xã được tách nhập theo từng thời kỳ và các địa danh, tên gọi cũng được thay đổi theo, nhưng “Mỹ Long” là tên gọi đã được các bậc tiền nhân gửi gắm niềm tin, niềm khát khao mong muốn con người nơi đây luôn được bồi đắp về trí tuệ, nhân cách và tâm hồn cao đẹp, trong sáng, thủy chung; luôn khát vọng vươn lên để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh./.

 

 

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.024.791
    Trong năm: 989.750
    Trong tháng: 106.445
    Trong tuần: 30.554
    Trong ngày: 4.069
    Online: 83