Sơn Trà là vùng đất mà từ thuở xa xưa được cư dân ở các vùng từ phương Bắc di cư vào đây sinh sống, họ tụ tập với nhau gồm nhiều dòng họ như: họ Lê Hầu, họ Lê Quận Công, họ Phạm, họ Nguyễn, họ Phan và họ Trần, nhưng dòng họ đến định cư sớm nhất ở làng Đôn Mỹ là dòng họ Lê Hầu Sại.
Đền thờ Lê Hầu Sại
Dòng họ Lê Hầu có nguồn gốc từ Thăng Long, thủy tổ của dòng họ này làm quan dưới triều Lê Trung Hưng (1533-1789), trong dòng họ có 4 người con đều làm quan. Người con cả là Lê Đình Quỳ có tài về ngoại giao đã được vua Lê Hy Tông cử đi sứ sang Trung Quốc, người con thứ hai là Lê Hữu Dung là một võ quan được triều đình cử lên trấn ải nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc, người con thứ 3 là Lê Hữu Công và người con thứ 4 là Lê Hữu Tự đều làm quan trong triều đình nhà Lê. Trong đó nhân vật lịch sử Lê Hữu Dung là người có nhiều công lao to lớn với triều đình và đóng lớn lao cho việc khai khẩn đất đai, xây dựng nên làng Đôn Mỹ.
Lê Hữu Dung sinh vào giữa thế kỷ XVII, lớn lên tham gia quân đội nhà Lê - Trịnh, ông được điều đi trấn thủ ở xứ Lạng Sơn để dẹp bọn phản loạn quấy nhiễu biên cương. Sau khi tình hình biên giới ổn định ông trở về kinh thành và được vua Lê phong tước là Hưng Lĩnh Bá. Sau đó ông được phái vào vùng đất phía Nam để chỉ huy trấn giữ vùng đất từ Đèo Ngang đến Bắc Bố Chánh (tỉnh Quảng Bình). Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh ở Bắc Bố Chính đẩy lui quân Nguyễn về phía bờ nam sông Gianh. Công lao đóng góp của ông được vua Lê Dụ Tông phong tước Hầu, từ đó về sau nhân dân thường gọi là Lê Hầu Sại. Trong thời gian trấn giữ vùng đất xứ Nghệ, ông đã tận mắt thấy được sự cực khổ của nhân dân do loạn lạc chiến tranh gây ra, do đó, sau khi về kinh thành Thăng Long một thời gian, Lê Hầu Sại xin cáo quan và cùng gia đình vào xây dựng cuộc sống dưới chân núi Mồng Gà và trở thành thủy tổ của dòng họ Lê Hầu vùng đất Đôn Mỹ.
Đền Cả
Đến với vùng đất này, bằng uy tín của một vị quan có công trạng lớn với đất nước, ông đã tập hợp nhân dân ra sức khai phá đồi núi, ruộng nương, mở mang làng xóm thành một vùng đất rộng lớn như: xóm Hầu, xóm Đu, xóm Ri, xóm Tre, xóm Tràng, xóm Trửa, xóm Hội, xóm Hương và xóm Đình.
Quá trình mở rộng địa bàn cư trú, dân làng nơi đây đã phải chiến đấu với nhiều thiên tai địch họa, máu và nước mắt đã phải đổ rất nhiều để dành dật sự sống. Khi mở rộng địa bàn ra rú Vương (giáp ranh giữa Sơn Trà và Sơn Long ngày nay), hai ông Lê Đình Kỳ và Lê Đình Huân được mệnh danh là hai người khỏe như dũng tướng đã phải đánh nhau với hổ để bảo vệ mùa màng. Tương truyền: Hai ông đã đâm chết hổ ở Bãi Đơn (Tam Soa, Long Hạ, Sơn Long). Khi ông Huân thấy hổ vừa dựng hai chân trước lên định vồ người thì nhanh như cắt ông đã đâm cây mác vào miệng hổ, găm cây mác dài bảy thước (thước nam) xuống đất. Con hổ ở tư thế dựng đứng, đầu cắm vào mũi mác, ông Kỳ nhanh như cắt, tiếp ứng đâm mũi mác vào ngực hổ. Cả hai anh em tắm mình trong máu hổ. Khi dân làng chạy tới thì con hổ đã chết trên mũi mác. Để nghi nhận sức mạnh và trí dũng của hai ông, làng đã thưởng cho hai ông ba mươi quan tiền.
Đình làng Đôn Mỹ
Đến đời thứ ba của dòng họ Lê Hầu Sại, ông Lê Đình Đóa - tức Can Dương cùng một số gia đình đã mở rộng lên xóm Cùa (Kim Lân Cù Sơn) và lập nên một vùng dân cư mới tách khỏi địa bàn cư trú trung tâm. Để mở mang địa giới này những người di cư lên đây đã phải tổ chức nhiều trận đánh đổ máu, đương đầu với lũ trộm, cướp ngày đêm tìm cách hại người, hại của của bọn giặc cỏ.
Khi bờ cõi ngày càng được mở rộng, cuộc sống ngày càng phát triển, cư dân lưu lạc ở khắp nơi, chủ yếu là dân lưu tán nghèo đói, trốn sưu thuế, phu phen hoặc bị đày biệt xứ đều tím đến nơi đây để định cư và sinh sống. Trước tình cảnh đó Lê Hữu Dung đã cho thu phục lòng người, cấp phát ruộng nương, công cụ làm ăn, ổn định cuộc sống chăm lo đến đời sống của nhân dân, đến buổi ngày 3 tháng 8 khi dân tình đói khổ, quan Hầu đã cấp phát thóc, gạo cho họ, Hầu cho mở mang đường sá, mở con đường từ ngã ba Đồng Ri qua đồng Chiếng để đi ra phía đình làng. Hầu cúng ruộng đất để xây dựng các công trình văn hóa, xây dựng đình chùa. Số ruộng Hầu cúng cho làng có trên 20 mẫu. Hầu hô hào động viên nhân dân đứng ra xây dựng đền Cả để thờ Thành Hoàng, Bút tích còn lưu lại ở bức tượng Hộ Pháp tại đền Cả:“Trạc trạc quyết linh, xuân đài thọ vực, bằng hữu nghiêm vọng tại Triều”, cho thấy Lê Hầu Sại là người đã có công to lớn trong việc trùng tu di tích đền Cả.
Để chăm lo việc hướng nghiệp học tập cho nhân dân ông đã lập ra Hội Hoa sắc và kêu gọi các nhà Nho đến dạy chữ cho con em trong vùng. Nhà Văn Thánh xã do ông lập ra để thờ phụng đạo học và tôn vinh truyền thống khoa bảng của làng, từ đó đã động viên nhiều người theo nghiệp học hành khoa nâng cao tri thức cho nhân dân. Để có kinh phí phục vụ cho các hoạt động học hành, Lê Hầu Sại đã cúng ruộng đất cho làng canh tác lấy hoa lợi phục vụ cho việc dạy học. Trong cuộc sống hàng ngày quan Hầu luôn quan tâm đến việc chăm lo cho cuộc sống của dân, ông đã bỏ tiền đào giếng cho làng để nhân dân có nước sinh hoạt và tưới tiêu nên nhân dân thường gọi là giếng Hầu. Quan Hầu còn tổ chức đắp con đường lớn để thuận tiện cho giao thông đi lại trong xã gọi là đường Quan Hầu. Sau những mùa thu hoạch bội thu, Hầu cho xây dựng nhà kho để tích trữ lương thực được gọi là Kho Hầu. Ghi nhớ công lao của ông với vùng đất này nên làng (xóm) cũng được nhân dân gọi là Xóm Hầu, những tên gọi thân thuộc đó vẫn tồn tại đến ngày nay. Sau khi ông mất làng lập đền thờ ở xóm Hầu gọi là đền thờ Lê Hầu Sại, đền được dựng lại lần thứ hai vào năm Tân Tỵ 1931. Trước đền thờ Hầu có bức Đại Tự khắc ba chữ Hán “Đức Khả Quan” để thờ phụng Lê Hữu Dung và tôn vinh ông làm thành hoàng làng. Hàng năm, đến ngày mất của ông dòng họ đã tổ chức ngày giỗ vào ngày 5/5 (Al) sau đó đến ngày 6/5 (Al) dân làng trong vùng đã tổ chức ngày tế Hầu (Hầu là người duy nhất được dân làng tế tự). Để tưởng nhớ, tri ân công lao của ông với làng, với nước, năm 1925, vua Khải Định trong chuyến tuần du sang Ai Lao (Lào), trên đường đi qua huyện Hương Sơn, nhà vua dừng chân thăm đền thờ Lê Hầu Sại và đề tặng mấy chữ: “Kiều sơn hiển cung, tịnh túc, sắc phong Dực bảo Trung hưng”. Điều đó cho thấy sự thừa nhận công lao của ông không chỉ triều Lê mà về sau triều Nguyễn cũng tôn vinh công lao của Lê Hầu Sại đối với đất nước.
Lê Hầu Sại - một con người rất đáng được ngưỡng mộ, khi còn đang làm quan ở triều đình ông là một vị quan mẫn cán, trung quân ái quốc, khi về quê sinh sống ông đã hết lòng vì dân, vì nước. Ông đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng làng, xóm, quê hương, khai phá đất đai phát triển kinh tế cho vùng đất Sơn Trà.
Trụ sở UBND xã Sơn Trà
Ngày nay, mảnh đất Sơn Trà đã có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân đã được cải thiện. Việc ghi nhớ công lao của những bậc tiền bối đã khai sơn, lập địa, xây dựng và phát triển quê hương qua các giai đoạn lịch sử là việc làm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” góp phần giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống, khơi dậy niềm tự hào để đẩy mạnh công cuộc xây dựng quê hương - đất nước ngày càng giàu mạnh - văn minh trong giai đoạn hiện nay.