Cho đến nay, các nguồn sử liệu viết về huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh đều cho biết vào thời nhà Lý, Hương Sơn là hương Đỗ Gia thuộc châu Nghệ An. Trước đó, thời Bắc thuộc vùng đất này được gọi là huyện Dương Thành, Dương Toại thuộc quận Cửu Đức. Đến đời Tấn là huyện Phố Dương gồm lãnh thổ các huyện Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang ngày nay, trong đó có 2 làng cổ là Phố Châu và Phúc Dương. Đời Đường là châu Phúc Lộc... Thời nhà Trần, và sau đó thuộc nhà Minh là huyện Cổ Đỗ. Đời Lê là huyện Đỗ Gia. Từ năm 1469 là huyện Hương Sơn thuộc phủ Đức Quang [1]. Ngày 1/9/2019, Hương Sơn đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện.

Như vậy, ngoài tên gọi Đỗ Gia, Hương Sơn còn có tên là Cổ Đỗ. Mặt khác, các xã Sơn Tân, Sơn Mỹ trước kia là xã Xa Lang, xã Sơn Thủy trước kia là làng Trị Yên, xã Phố Châu trước kia là Phủ Châu thuộc châu Ngọc Ma, nay là thị trấn Phố Châu… trước 1945 đều thuộc tổng Đỗ Xá (hoặc Đậu Xá). Lại còn có làng tên là Phúc Đậu, về sau hợp với Trị Yên thành xã Kim Hoa thuộc ấp Cổ Đậu (hoặc Cổ Đỗ) ngày xưa…

1. Ý nghĩa của địa danh Đỗ Gia

Trước hết, cần xác định ý nghĩa của từ Đỗ và Đậu dưới góc độ từ nguyên liên quan đến địa danh Đỗ Gia, Đỗ Xá, Cổ Đỗ, Đậu Xá, Cổ Đậu, Phúc Đậu ... Với ý nghĩa liên quan này thì Đỗ là âm Hán Việt của các chữ Hán gồm 土, (âm Hán Việt là thổ, còn đọc là đỗ, có nghĩa là cương vực, lãnh thổ, đất, quê hương, tập tục, lỗi thời, quê mùa…) và 杜 (âm Hán Việt là đỗ, âm Nôm là đậu, đỏ, đổ, đũa) có các nghĩa là cây đỗ (cây đường lê trồng lấy gỗ); ngăn chặn; họ Đỗ.

Tuy vậy, địa danh Đỗ Gia trong văn tự không dùng chữ 土 mà nguyên văn chữ Hán là 杜家 đã được ghi rõ trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư (tờ 14b, cột 3 từ trái sang, nguyên văn bằng chữ Hán, bản in Nội các Quan bản, Tập IV. Đại Việt sử ký toàn thư, dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, 1697. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1993) [1].

Như vậy, có thể khẳng định các địa danh Đỗ Gia, Đỗ Xá, Cổ Đỗ, Đậu Xá, Cổ Đậu… đều liên quan đến dòng họ Đỗ (còn được gọi là họ Đậu) chứ không liên quan gì đến các loại cây đỗ hay cây đậu trồng lấy hạt được trồng, trỉa khá phổ biến ngày nay ở Hương Sơn. Có một sự trùng hợp, có thể chỉ là ngẫu nhiên khi ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương có một làng cổ là Kẻ Đọ cũng đã được văn tự Hán ghi là xã Đỗ Xá.

 

Hoặc là dòng họ Đỗ xưa kia đã từng cư trú trên mảnh đất Hương Sơn ngày nay với số đông so với các dòng họ khác. Hoặc đây là mảnh đất từng của riêng một dòng họ danh gia vọng tộc là họ Đỗ (Đậu).

Trước khi nhà Hán đô hộ nước ta, các làng cổ đều được bắt đầu bằng chữ Kẻ mà ngày nay ở Hương Sơn vẫn còn như Kẻ Quát (nay là thị trấn Phố Châu), Kẻ Mui, Kẻ Mỏ…

Đến thời Bắc thuộc, các Kẻ này phải được Hán hóa thành các tên chữ để ghi vào các văn tự. Kẻ Đọng thành làng Lệ Định, Kẻ Rái thành làng Hàm Lại, Kẻ E thành làng Xuân Trì…

Có một cách đặt tên làng xã theo tên dòng họ có nhiều cư dân nhất trong làng, trong vùng. Ví dụ như làng Bùi Xá ở Đức Thọ là nơi cư trú chủ yếu của những người mang họ Bùi.

Theo cách đặt tên này thì Đậu Xá là nơi cư trú chủ yếu của những người mang họ Đậu. Mà họ Đậu cũng là họ Đỗ vì âm Nôm của Đỗ như trên đã dẫn chính là Đậu.

Còn Cổ Đỗ nếu chữ Hán là 古杜 sẽ có nghĩa là dòng họ Đỗ cổ xưa.

Đối với một vùng rộng lớn được một gia tộc tự khai phá, tự định chủ quyền hoặc được nhà vua cắt đất cho một người trong Hoàng tộc hay một nhân vật có công trạng thì cả vùng đất ấy mang tên dòng họ của cả gia tộc. Với trường hợp này thì Đỗ Gia (có thể ban đầu được gọi đầy đủ là Đỗ Gia Trang-杜家庄, nhưng về sau được gọi là hương Đỗ Gia 杜家鄉 vì ngày xưa một khu dân cư có 12.500 hộ- gia-家 được gọi là một hương- 鄉) sẽ là vùng đất được phong thưởng hoặc tự khai phá, tự xác định chủ quyền của một người có công hoặc của một gia tộc mang họ Đỗ.

Như vậy, hương Đỗ Gia xuất hiện từ đời nhà Lý (cũng có thể từ trước đó) để chỉ mảnh đất Hương Sơn ngày nay mang ý nghĩa là vùng đất của một người hoặc của một gia tộc mang họ Đỗ. Thời thuộc Minh bị đổi tên thành huyện Cổ Đỗ. Sau khi nhà Hậu Lê đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh giành độc lập thì được trả lại tên cũ là huyện Đỗ Gia và đến năm 1469 được đổi tên thành huyện Hương Sơn cho đến ngày nay.

Vậy trong khoảng thời gian khi vùng đất này được gọi là hương Đỗ Gia vào thời nhà Lý (1009 – 1225), hoặc trước đó vào thời nhà Hán còn đô hộ nước ta cũng như thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê thì gia tộc mang họ Đỗ cư trú ở mảnh đất này là gia tộc nào hay người đứng đầu gia tộc đó là ai? Để giải đáp câu hỏi này, cần xác định vào thời kỳ xa xưa này gia tộc mang họ Đỗ nào đã từng là chủ nhân của vùng đất Hương Sơn ngày nay. Trước hết, xin được đề cập khái quát về họ Đỗ (Đậu) ở Việt Nam.

2. Họ Đỗ (Đậu) ở Việt Nam

Công trình khảo cứu “Đôi dòng lịch sử và tinh hoa họ Đỗ (Đậu) Việt Nam” [2] của Đỗ Ngọc Phương được đăng tải trên trang hodonamdinh.com đã khẳng định: “Họ Đỗ, một cộng đồng người Việt đã sinh tụ, phát tích trên vùng đất này ít nhất cách đây trên 5000 năm, trước thuở lập nước đến nay mang quốc hiệu Văn Lang, trước cả thời kỳ xác lập vua Hùng đời thứ nhất”.

Theo báo Hà Nội mới, ngày 10/9/2016, Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam phối hợp với UBND quận Hà Đông, Phường Phú La đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử Văn hóa đối với Khu mộ tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam (ảnh 3) gồm: Gò Thiềm Thừ (còn gọi là Gò Ba La) nằm trên cánh đồng Văn La xưa, nay thuộc tổ dân phố số 6, phường Phú La (Hà Đông, Hà Nội) cùng với mộ cụ Đỗ Quý Thị (được cho là thân mẫu của Lộc Tục, là bà ngoại của Kinh Dương Vương) là nơi yên nghỉ của các cụ Tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam cùng 8 vị Bát Bộ Kim Cương. Nhiều đại biểu của chính quyền các cấp cùng gần một ngàn bà con dòng họ Đỗ (Đậu) trên cả nước đã tới tham dự. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

                    

Họ Đỗ (Đậu) đã đi vào lịch sử dân tộc. Thời nào cũng có hào kiệt: Đỗ Phụng Chân, Đỗ Quang, Đỗ Công Điền, Đỗ Ả Lã, Đỗ Nương Chi, Đỗ Mẫn (thời Hùng Vương); Thái sư – võ sư Đỗ Năng Tế - thầy dạy Hai Bà Trưng; Đỗ Thị Hảo, Đỗ Thị Dung, Đỗ Xuân Quang, Đỗ Dương đã cầm quân dưới cờ khởi nghĩa Hai Bà.

Tiêu biểu là Đỗ Cảnh Thạc – chủ tướng vương triều Ngô (trận Bạch Đằng năm 938) đã kết thúc một nghìn năm đô hộ của phương Bắc. Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc (12 sứ quân) trung thành phục dựng triều Ngô; Đỗ Thiện viết sử ký đời Lý; Văn tướng Đỗ Khắc Chung – người duy nhất trong các tướng triều Trần dám dũng mãnh đi thương thuyết với Ô Mã Nhi tại Đông Bộ Đầu khi thế giặc mạnh như chẻ tre và mưu trí, dũng cảm cứu công chúa Huyền Trân khỏi giàn thiêu khi Chế Mân – vua Cham Pa qua đời; Võ tướng Đỗ Hành bắt sống Ô Mã Nhi và tướng Tích Lệ Cơ trên sông Bạch Đằng; Đại tướng Đỗ Chính Minh phò Trần Duệ Tông đánh Chiêm Thành…

Ngày nay, họ Đỗ (Đậu) đã có trên 8 triệu người, chiếm gần 1/10 dân số Việt Nam. Xưa và nay đã có hàng nghìn vị đỗ đại khoa, trở thành nhân vật lịch sử, tướng lĩnh đất Việt mà sách “Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam” đã ghi danh lưu truyền cho hậu thế.

3. Về nhân vật lịch sử Đỗ Anh Hàn

Lần theo các bộ cổ sử của Việt Nam và Trung Quốc chép về thời kỳ liên quan đến địa danh Đỗ Gia sẽ thấy có 1 nhân vật lịch sử mang họ Đỗ là Đỗ Anh Hàn ở Đường Lâm, huyện Phúc Lộc thuộc Giao Châu.

Đại Việt Sử ký Toàn thư, ngoại kỷ, quyển V- kỷ thuộc Tùy Đường chép: “Tân Mùi -791, Đường Trinh Nguyên năm thứ 7. Mùa xuân, An Nam đô hộ phủ là Cao Chính Bình làm việc quan bắt dân đóng góp nặng. Mùa Hạ, tháng 4, người ở Đường Lâm thuộc Giao Châu (Đường Lâm thuộc huyện Phúc Lộc) là Phùng Hưng dấy binh vây phủ… dùng kế của người làng là Đỗ Anh Hàn …Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết”.

Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục [3] của Quốc sử quán triều Nguyễn còn thêm ghi chú: “Xét Đường thư, bản kỷ, đời Đức Tông, năm Trinh Nguyên thứ 7 (năm 791), chỉ chép rằng tù trưởng An Nam là Đỗ Anh Hàn làm phản, chứ không chép việc Phùng Hưng”.

Cựu Đường thư do Lưu Hú soạn từ năm 941 đến năm 945 chép: “Mùa hạ, tháng 4 … Kỷ Mùi, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản, tấn công đô hộ phủ. Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng mà chết”.

Tân Đường thư do Âu Dương Tu soạn từ năm 1044 đến năm 1054 chép: “Tháng 4, An Nam thủ lĩnh Đỗ Anh Hàn phản …”.

Tân Đường thư, Truyện Triệu Xương chép: “An nam tù lão Đỗ Anh Hàn làm phản, Đô hộ Cao Chính Bình lo lắng chuyện đó mà chết. Thăng Triệu Xương làm An Nam Đô hộ …”.

Tư trị thông giám do Tư Mã Quang soạn hoàn thành năm 1084 chép: “An Nam Đô hộ Cao Chính Bình đánh thuế nặng. Mùa hạ tháng 4, bọn Quần Man tù trưởng Đỗ Anh Hàn khởi binh vây đô hộ phủ. Chính Bình lo lắng mà chết”.

4. Đường Lâm(唐林) Phúc Lộc(福祿) quê của Đỗ Anh Hàn thuộc vùng nào?

Giáo sư Đào Duy Anh trong cuốn Đất nước Việt Nam qua các đời [4] cho rằng “Đường Lâm nằm ở châu Phúc Lộc và châu Phúc Lộc gồm cả miền Nam Hà Tĩnh và miền Quy Hợp và Ngọc Ma ở phía tây của dãy núi Hoành Sơn”.

Sau đó, GS Văn Tân trong bài viết “Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư” [5] đăng tải trên Nghiên cứu Lịch sử, số 93, 12/1966 đã cho rằng “Ngô Quyền là người huyện Đường Lâm thuộc Hoan Châu, chứ không phải là người huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây”. Ông cho rằng hàng loạt các thủ lĩnh thế kỷ VIII – X như Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Dương Đình Nghệ, Ngô Quyền, … đều từ Hoan Ái tiến ra An Nam đô hộ phủ. Đường Lâm ở Nghệ Tĩnh thì mới phù hợp với tình hình xã hội khi đó.

Trong ấn phẩm “Về quê hương Ngô Quyền, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 101, 8/1967 [6], Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng chấp nhận những phản biện của GS Đào Duy Anh và GS Văn Tân và nhận định: “Theo các sử cũ, quả thật ở thời thuộc Đường (thế kỷ VII-X) miền đất nước ta có huyện Đường-lâm (đầu đời Đường là châu Đường-lâm rồi đổi thành quận Đường-lâm) thuộc châu Phúc-lộc (có cả huyện Phúc-lộc) thuộc phía nam tỉnh Hà-tĩnh ngày nay”.

Mặc dầu lý giải như vậy nhưng GS Trần Quốc Vượng cũng trong ấn phẩm nói trên lại cho biết thêm: “… theo một bài văn bia đề ngày 18 tháng 2 năm thứ ba niên hiệu Quang-thái đời Trần Thuận-tông (1390) – bia hiện để ở trong đền thờ Phùng Hưng tại xã Đường-lâm, huyện Tùng-thiện tỉnh Hà-tây – thì ở thời Trần nước ta có xã Cam-tuyền thuộc huyện Phúc- lộc, phủ Quốc-oai. Văn bia ghi rõ: Nguyên bản xã đất nhiều rừng rậm xưa gọi là Đường-lâm, đời đời sản sinh nhiều vị anh hùng hào kiệt”.

Thế nhưng, theo các nhà nghiên cứu gồm GS. TS Trần Ngọc Vương, PGS.TS. Trần Trọng Dương và TS. Nguyễn Tô Lan thì tấm bia mà GS. Trần Quốc Vượng nói đến ở trên là bia ngụy tạo [7]. Họ cho biết: “Về địa danh học, văn bia này dù cố gắng ngụy tạo, nhưng vẫn vô tình để lại tên địa danh thời Nguyễn. Dòng đầu của bia ghi: 國威府福祿縣甘泉社 - Quốc Oai phủ Phúc Lộc huyện Cam Tuyền xã, dòng trên đồng thời cũng được khắc trên bia Phụng tự bi ký 奉祀碑記 được khắc năm Tự Đức thứ 4 (1851). Qua khảo chứng về diên cách địa danh hành chính của Đào Duy Anh [19] thì đây có khả năng là bia ngụy tạo vào đời Gia Long hoặc Minh Mệnh, vì đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) Phúc Lộc đã đổi làm Phúc Thọ.

Về mỹ thuật, bia có cùng một phong cách với nhiều bia hậu đời Nguyễn: không có trang trí diềm, trán gần như để trơn, hoa văn chỉ có mặt nhật nét mảnh và tia lửa yếu ớt.

Về quy mô, văn bia này được dựng ở cấp độ thôn xóm, cho nên rất khiêm tốn về mặt kinh phí, điều này thể hiện qua dáng vóc xinh xắn và khiêm nhường của bia: chiều cao 54 cm, rộng ngang 35 cm, tức là không bằng một tờ báo Nhân dân trải rộng. Cho thấy, bia được dựng nằm ngoài điển lệ của triều đình. Điểm này làm rõ hơn động cơ của dòng niên đại “Quang Thái thứ 3” trong văn bia.

Về trật tự chữ, chữ viết trên ngạch bi đều ngang từ trái sang phải, trong khi ngạch bia đời Trần thường là sắp chữ dọc”.

Trong công trình khảo cứu “Đường Lâm là Đường Lâm nào” của các nhà nghiên cứu nói trên, sau khi tham khảo, trích dẫn sách sử của Trung Quốc, Việt Nam như Thông điển, Cựu Đường thư, Việt điện u linh, An nam chí lược... các tác giả mặc dầu đã trích dẫn câu "Nay tự đầu cõi huyện Hương Sơn đi thẳng đến thượng đạo Quảng Bình tức là châu Phúc Lộc cũ." nhưng vẫn thận trọng kết luận: “Vị trí chính xác của châu Đường Lâm còn phải khảo chứng thực địa, bổ sung các cứ liệu về họ tộc, cư dân, phong tục, sản vật, ngôn ngữ bản địa, cũng như sự thờ cúng và tư liệu điền dã tại địa bàn Thanh Hóa ngày nay và các khu vực lân cận. Dù vậy, có thể khẳng định rằng quê Ngô Quyền nằm loanh quanh giữa vùng Thanh Hóa – Nghệ An ngày nay mà khó có thể ở vị trí Sơn Tây (khi đó là huyện Gia Ninh của Phong Châu) được.

Trong suốt lịch sử từ đời Hán cho đến năm 1964, khu vực Sơn Tây không hề có châu hay huyện hay làng nào tên là Đường Lâm. Tên ‘xã Đường Lâm’ tại Sơn Tây ngày nay mới xuất hiện từ năm 1964 (ngày 21 tháng 11)”.

Vậy thì lý giải ban đầu của GS Trần Quốc Vượng “Theo các sử cũ, quả thật ở thời thuộc Đường (thế kỷ VII-X) miền đất nước ta có huyện Đường-lâm (đầu đời Đường là châu Đường-lâm rồi đổi thành quận Đường-lâm) thuộc châu Phúc-lộc (có cả huyện Phúc-lộc) thuộc phía nam tỉnh Hà-tĩnh ngày nay” tại sao lại không được các tác giả của công trình khảo cứu “Đường Lâm là Đường Lâm nào” nhắc đến nữa?

Giáo sư K.W. Taylor trong công trình khảo cứu “The Birth of Vietnam, University of California 1983” [8], được Nhà sách Nhã Nam và Nhà xuất bản Dân Trí chuyển ngữ, cho ra mắt bạn đọc năm 2020 với tên sách “Việt Nam thời dựng nước” đã dành đến 2 Phụ lục để kiến giải về “An Viễn, Đường Lâm, Phúc Lộc” (Phụ lục I, từ trang 494 đến trang 498) và “Các sử liệu về kỷ nguyên Phùng Hưng” (Phụ lục J, từ trang 499 đến trang 502). Căn cứ vào các thư tịch cổ như Tùy thư, Tân Đường thư, Cựu Đường thư, Thái Bình hoàn vũ ký, Thông điển, Nguyên Hòa quận huyện chí … GS Taylor đã cho biết, theo Tùy thư thì địa danh “An Viễn (安遠) xuất hiện lần đầu trong thời nhà Tùy với vai trò là tên một huyện” của quận “Nhật Nam, trước đó gọi là quận Cửu Đức”

5. Những nhận định bước đầu

Với tất cả các dữ liệu được dẫn ra ở trên, hoàn toàn đủ căn cứ để có thể nhận định rằng, Đường Lâm – Phúc Lộc, nơi phát tích của nhân vật lịch sử Đỗ Anh Hàn, người đã hiến kế cho Phùng Hưng vây An Nam Đô hộ phủ khiến cho “Chính Bình lo sợ phẫn uất thành bệnh ở lưng mà chết” như Đại Việt Sử ký Toàn thư đã chép, người đã “khởi binh vây Đô hộ phủ” làm cho “Chính Bình lo lắng mà chết” như các bộ sử cũ Trung Quốc đã ghi lại chính là “miền Nam Hà Tĩnh và miền Quy Hợp và Ngọc Ma…” như GS Đào Duy Anh đã nhận định. Và hương Đỗ Gia thời nhà Lý, là huyện Hương Sơn ngày nay nằm trong vùng đất Đường Lâm - Phúc Lộc này.

Như vậy, hương Đỗ Gia là vùng đất được phong thưởng hoặc tự khai phá, tự xác định chủ quyền của gia tộc Đỗ Anh Hàn.

6. Vĩ Thanh

Khi bài viết này vừa hoàn thành thì tôi tìm đọc được bài viết “Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong” của PGS TS Trần Trọng Dương trên https://nghiencuulichsu.com/2021/09/13 với nhận định mới:… Chúng tôi từng cho rằng Đường Lâm ở Nam Thanh Hóa Bắc Nghệ An. Nhưng với các sử liệu này, tôi củng cố thêm quan điểm ấy, rằng: Đường Lâm (“đất hai vua” vào thời Đường) không phải ở Phúc Thọ (Sơn Tây, Hà Nội nay). Có thể xác định chính xác hơn, huyện Đường Lâm của châu Phúc Lộc thời Đường có thể nằm ở tỉnh Hà Tĩnh (tương ứng với huyện Can Lộc, thành phố Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, huyện Kỳ Anh ngày nay). Và huyện Nhu Viễn của châu Phúc Lộc (châu Đường Lâm), tương ứng với các huyện miền núi phía Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh gồm: Hương Khê - Vũ Quang- Hương Sơn và một phần phía Tây của Lào...” kèm theo các bản đồ minh họa (ảnh 4 và 5)

 

Tuy vậy, thực thể “đất hai vua” vào thời thuộc Đường ở Phúc Thọ, Sơn Tây, Hà Nội ngày nay không phải là không có lý do. Theo suy nghĩ của người viết bài này, rất có thể hậu duệ của các nhân vật lịch sử Phùng Hưng, Đỗ Anh Hàn, Ngô Quyền về sau đã di dời từ Hà Tĩnh ra Phúc Thọ sinh sống và lập ra các miếu mạo, đền thờ, dựng bia đá để ghi công đức của các vị Tiên Tổ của họ. Có thể cũng vì lý do này nên phương ngữ của vùng Phúc Thọ, Ba Vì ngày nay có rất nhiều tương đồng với phương ngữ Nghệ Tĩnh. Ảnh 6 được chụp lại từ một tấm bưu ảnh của Melia Ba Vi Mountain Retreat với chú thích là chim “Cu rốc đầu đỏ”, loài chim mà dân Hương Sơn Hà Tĩnh cũng gọi là chim “Cu rốc” hay “Khô rốc”, là một ví dụ.

 

               

Tài liệu đã dẫn

[1]. Đại Việt sử ký toàn thư, dịch theo bản khắc năm Chính Hòa thứ 18, 1697. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội – 1993

[2]. Đôi dòng lịch sử và tinh hoa họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. Đỗ Ngọc Phương, hodonamdinh.com

[3]. Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục tập I. Quốc sử quán triều Nguyễn. Nhà xuất bản Giáo dục 1998

[4]. Đất nước Việt Nam qua các đời. Đào Duy Anh. Nxb Khoa học Xã hội 2017

[5]. Vài sai lầm về tài liệu của bộ Đại Việt sử ký toàn thư. VănTân. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 93, 12/1966.

[6]. Về quê hương Ngô Quyền, Trần Quốc Vượng. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 101, 8/1967.

[7]. Đường Lâm là Đường Lâm nào? Trần Ngọc Vương, Trần Trọng Dương và Nguyễn Tô Lan, www.quochoc.org/108. 19.06.2011

[8]. Việt Nam thời dựng nước (The Birth of Vietnam). K.W. Taylor. NXB Dân Trí. 2020

[9]. Đường Lâm ở Hà Tĩnh và giao lộ Đông Tây từ Biển Đông đến Mekong, Trần Trọng Dương https://nghiencuulichsu.com/2021/09/13  

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Bản đồ hành chính
    PHÁT THANH HƯƠNG SƠN
    Thống kê: 9.183.839
    Trong năm: 941.676
    Trong tháng: 118.167
    Trong tuần: 29.993
    Trong ngày: 1.333
    Online: 78