Bức đại tự Lạc Quyên Nghĩa Môn vua Tự Đức ban thưởng cho Lê Văn Hoa
Lê Văn Hoa sinh năm Kỷ Mão – 1821, mất vào ngày 3/4 âm lịch (không rõ năm). Căn cứ vào gia phả (bản Hán Nôm) của họ Lê Văn và lời truyền ngôn của con cháu trong dòng họ thì Lê Văn Hoa là một người thông minh, học giỏi nhưng không tham gia thi cử mà chỉ tập trung vào làm ăn kinh tế và khai khẩn mở mang ruộng vườn. Được thừa kế tài sản của gia đình, lại là người có kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh nên ông ngày càng giàu có, thịnh vượng. Ông không chỉ tập trung công cuộc mở rộng ruộng vườn, tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong vùng, mà còn là người có công cải tạo vùng đất đầm lầy phía trước nhà trở thành hồ nước, đặt tên ao Rồng (Long Hồ hay Long Trì) tạo nên cảnh quan đẹp, là nơi sinh hoạt văn hóa cho cộng đồng dân cư nơi đây. Ao Rồng sau này được các thế hệ tiếp theo của gia tộc xây dựng thêm nhà thủy tạ làm nơi tổ chức các buổi sinh hoạt “Hội văn”, nơi xướng họa thơ văn và sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Địa danh “ Long hồ” trở thành một “ Kỳ quan nơi thôn dã” khiến Phan Bội Châu, bạn đồng khoa với ông Lê Hòe Phổ (cháu nội ông Lê Văn Hoa) hết lời khen ngợi và tặng một câu đối “Mã Lĩnh phi cao nhân tự hậu/Long Trì tuy thiển thú duy thâm” nghĩa là: (Núi) Mã Lĩnh không cao nhưng con người tự thuần hậu - (Ao) Long Trì tuy cạn nhưng hứng thú lại sâu xa.Câu đối sau đó được treo ở nhà Văn Thánh xã Dương Trai.
Ngoài ra, Lê Văn Hoa còn là người có tấm lòng bác ái, thương yêu người nghèo khó, đối xử tốt với gia nhân, thợ cày, thợ cấy. Vào những năm mất mùa, dịch bệnh hay ngày giáp hạt, dân tình đói kém, ông mở kho lương của gia đình cho nhân dân trong vùng vay không lấy lãi. Đối với những gia đình già cả neo đơn, mẹ góa con côi, hay những gia đình có người ốm đau, thì được ông cứu trợ.
Tiền Phi Long vua ban cho Lê Văn Hoa
Chính vì vậy tiếng thơm về lòng bác ái, thiện nguyện của ông và gia tộc Lê Văn lan truyền khắp vùng Hương Sơn.
Theo một nghiên cứu “Tình hình thiên tai ở Việt Nam giai đoạn 1802-1883 và chính sách cứu trợ xã hội của triều Nguyễn” của Tiến sỹ Lê Quang Chắn (Viện sử học) đăng trên Tạp chí nghiên cứu Lịch sử (số 8 năm 2017) cho biết thì “ trong giai đoạn này thiên tai dịch bệnh diễn ra thường xuyên, liên tục và rất phức tạp, với hơn 100 trận lụt, trên 80 trận bão, 38 vụ vỡ đê, 70 trận dịch bệnh, 57 năm bị hạn hán, 10 lần xẩy ra động đất cùng nhiều hiện tượng thiên tai khác như sâu bện, lở đất, mưa đá, sét đánh, tuyết rơi ...Hậu quả là tình trạng mùa màng thất bát, người dân đói kém cùng cực”.
Thiên tai, dịch bệnh, đói kém là nguyên nhân khách quan dẫn đến các phong trào nổi dậy của các tầng lớp nhân dân chống lại triều đình. Trước tình hình đó, triều Nguyễn đã ban hành và thực thi nhiều chính sách cứu trợ xã hội, góp phần giảm thiểu rủi ro, ổn định cuộc sống của nhân dân. Ngoài việc mở ngân khố quốc gia, thì nhà Nguyễn kêu gọi các quan lại, phú hộ trong cả nước chung tay cùng triều đình cứu đói cho nhân dân, mở các Xã Thương, Nghĩa Thương góp phần ổn định tình hình xã hội.
Từ năm Tân Hợi đến năm Tân Dậu (1851- 1861), cư dân tỉnh Hà Tĩnh trong giai đoạn này cũng chịu nhiều tổn thất nặng nề, nhân dân đói rách do thiên tai, dịch bệnh gây nên. Xuất phát từ tấm lòng bác ái, yêu thương con người và hưởng ứng chính sách cứu trợ xã hội của nhà Nguyễn, trong 10 năm đó Lê Văn Hoa đã liên tục tích cực đóng góp nhiều tiền bạc và thóc gạo với ý thức giúp nước cứu dân. Với những đóng góp đó, nên năm Tự Đức thứ 14 (1861), ông được triều đình ban thưởng bức đại tự “ Lạc quyên nghĩa môn” nghĩa là: : "gia đình có hành động cao đẹp, vui vẻ tự nguyện xuất của cải để giúp đỡ cộng đồng" và 5 đồng tiền Phi Long bằng Bạc (Minh Mệnh Phi Long hay Minh Mệnh Thông Bảo).
Nguyên văn chữ Hán bức đại tự
(Niên đại năm Tự Đức thứ 14 – 1861)
敕賜
樂捐義門
嗣德拾肆年捌月吉日
Phiên âm
Sắc tứ
LẠC QUYÊN NGHĨA MÔN
Tự Đức thập tứ niên, bát nguyệt, cát nhật.
Nhà Nguyễn (1802- 1945), mỗi đời vua trị vì đều đúc tiền thưởng để ban tặng thưởng cho quan lại, vương công quý tộc, những người có công, trong các dịp khánh tiết của triều đình. Tiền thưởng thường được đúc bằng vàng, bạc, đồng hoặc mạ vàng, mạ bạc... Ngoài các hạng huân chương ban thưởng như ngọc khánh, kim khánh, kim bội nhà Nguyễn còn sử dụng hình thức ban tiền thưởng để biểu dương công lao.
Sắc phong năm Khải Định thứ 2 (1917) cho Long Hồ Ngọc Nữ Lê Thị Kế
Tiền Minh Mệnh Phi Long còn lưu giữ tại nhà thờ họ Lê Văn được đúc bằng bạc (thường gọi là bạc thịt), mặt trước đúc nổi 4 chữ Minh Mệnh thông bảo đọc chéo (Tạo tác thời Minh Mệnh, 1820 – 1840). Mặt sau đúc nổi hình rồng bay hình chữ S, phía dưới có 2 chữ “thập ngũ ”. Đây là chữ chỉ năm thứ 15 của niên hiệu Minh Mệnh. Viền mép cả mặt tiền và lưng tiền đều có viền răng cưa nhọn. Đường kính 4,4cm, nặng 20 gram.
Bức đại tự và tiền Phi Long đang được cất giữ tại nhà thờ họ Lê Văn, là kỷ vật quý được vua ban thưởng cho Lê Văn Hoa vì đã có công lao cùng với triều đình cứu tế nhân dân trong những năm mất mùa đói kém.
Lê Thị Kế, con gái út của Lê Văn Hoa và Nguyễn Thị Lĩnh. Phát huy truyền thống nhân nghĩa, tinh thần tương thân tương ái của gia đình, ngay từ lúc 10 tuổi, cô Lê Thị Kế đã sớm bộc lộ là con người siêng năng, hiền lành, nhân hậu, tấm lòng thương yêu người nghèo khó đã để lại nhiều giai thoại về lòng nhân ái của cô trong dân gian.
Qua ghi chép trong gia phả họ Lê Văn và giai thoại kể về thiện tâm của cô như sau:
+ Câu chuyện thứ nhất: Chiếc vòng xuyến vàng
“ Một hôm, trong lúc cụ Lê Văn Hoa và các bô lão trong làng đang ngồi uống nước, một bà lão quần áo rách, đội nón mê chống gậy bước vào xin ăn, cũng như mọi lần cô vào xúc 1 đấu gạo đổ vào túi cho cụ già. Bà lão tay run run đỡ lấy đấu gạo đầy đổ vào túi, thì một chiếc vòng rơi ra. Bà lão không biết là cái gì, nên hỏi cái gì đây cô? cô Kế nói đó là cái vòng xuyến vàng của cháu rơi mất lâu rồi tìm không thấy, hóa ra nó ở trong chum gạo. Thế là nhờ cho bà lão gạo mà cô tìm thấy cái vòng xuyến vàng, một trong những kỷ vật hồi môn mà gia đình chuẩn bị cho cô. Thấy chiếc vòng quá rộng, bà lão nói chắc cô đeo không vừa, cô tặng tôi làm phúc.Cô Kế nhìn về phía cha và các cụ rồi nói, hay cái vòng rộng quá con cho bà lão cha nhé. Cụ Lê Văn Hoa gật đầu đồng ý, thế là cô tặng luôn cho bà lão chiếc vòng xuyến vàng”.
+ Câu chuyện thứ hai: Bát cơm, khúc cá hàng ngày chăm sóc những người già trong xóm.
Mặc dù gia đình cụ Lê Văn Hoa rất thương người nghèo khó và khuyến khích con cháu trong gia tộc làm việc thiện, nhưng cô vẫn thường dấu cha mẹ để làm theo cách của mình. Mỗi bữa ăn cô thường xúc một bát cơm đầy cùng thức ăn để riêng và nói với cha mẹ là con để dành ăn sau, chứ ăn no bị đau bụng. Trong xóm Long Hội, hễ có ông bà già cả neo đơn, bị đau ốm lâu dài không có người chăm sóc thì cô dùng phần cơm đó để san sẻ và hằng ngày tự đưa cơm đến tận nhà giúp đúng bữa ”.
+ Câu chuyện thứ ba: Quan huyện cũng hạ Mã.
“Năm 13 tuổi cô bị chết do rắn đốc cắn, đám tang đưa tiễn cô về nơi an nghỉ cuối cùng được đông đảo nhân dân trong làng, trong tổng đến đưa tiễn, xót thương. Hôm đưa đám cô ra nghĩa trang thì gặp quan huyện và đoàn tùy tùng đi thị sát địa phương, ông áp tác ( người điều hành quá trình di chuyển của đám tang) ra hiệu cho đoàn đưa tang tạm nghỉ. Con ngựa của quan không chịu bước, bởi phía trước là dãy cờ, cùng tiếng trống, tiếng khóc của hàng trăm người. Thấy đám tang có rất đông người đưa tiễn, quan huyện cho người đến tìm hiểu sự tình, ông áp tác thưa trình rằng: Người qua đời này là cô con gái cụ Lê Văn Hoa, tên là Lê Thị Kế bị rắn đốc cắn do lên núi Mồng Gà kiếm lá, quả rừng để làm thuốc giúp một bà lão trong thôn bị ốm nặng, nhưng mãi lo kiếm thuốc đến trưa mới về nên không cứu được và cô bị chết khi mới 13 tuổi. Quan huyện được báo trình cụ thể, bèn xuống ngựa và nói ” thật là một con người đáng quý, đáng tiếc”, bảo ông áp tác tiếp tục cho đoàn đưa tang tiếp tục hành trình và ta cũng đưa tiễn cô ấy”.
Lê Thị Kế mất ngày 10/5 âm lịch (không rõ năm). Sau khi cô mất, Lê Văn Hoa lập miếu thờ riêng, về phía sau nhà thờ họ. Miếu thờ được làm bằng gỗ, kết cấu theo kiểu nhà sàn, gọi là Miếu Long Hồ Ngọc nữ hay miếu Long Thần.
Tộc trưởng chi họ và các cụ cao niên trong làng kể lại, thì từ khi lập miếu thờ cho đến khi bị tháo dỡ, cô rất linh thiêng nên nhân dân thôn Yên Đồng và vùng lân cận khi ốm đau thường đến miếu Long thần dâng hương cầu khấn được linh ứng.
Với tấm lòng nhân hậu, hiền lành khi còn sống, sự linh thiêng khi đã khuất đã thấm sâu vào đời sống tâm linh của cư dân trong vùng. Vì vậy, sau khi chết, cô được triều đình nhà Nguyễn 2 lần ban sắc phong thần và giao cho thôn Yên Đồng thờ phụng hương khói, đó là năm Khải định thứ 2 (1917) và Khải Định thứ 9 (1924).
Sắc phong năm Khải Định thứ 9 (1924) cho Long Hồ Ngọc Nữ Lê Thị Kế
Nguyên văn chữ Hán bản sắc phong năm Khải định thứ 2 (1917):
敕河靜省香山縣陽齋社安仝村奉事龍湖玉女節烈靈應之神護國庇民稔著靈應肆今丕耿命緬念神庥著封為貞婉翊保中興尊神準其奉事庶機神其相佑保我黎民欽哉
啟定貳年叁月拾捌日
Phiên âm: Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Hương Sơn huyện, Dương Trai xã, An/Yên Đồng thôn, phụng sự Long hồ Ngọc nữ Tiết liệt Linh ứng chi thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng. Tứ kim phi thừa cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, trứ phong vi Trinh uyển Dực bảo trung hưng tôn thần, chuẩn kỳ phụng sự. Thứ cơ thần kỳ tướng hựu, bảo ngã lê dân. Khâm tai!
Khải Định nhị niên, tam nguyệt, thập bát nhật.
Dịch nghĩa: Ban sắc cho thôn An/Yên Đồng xã Dương Trai huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, phụng thờ Long hồ Ngọc nữ Tiết liệt Linh ứng chi thần, bảo hộ đất nước che chở nhân dân, từ lâu đã tỏ rõ linh ứng. Bèn nay trẫm cả thừa mệnh sáng, xa nghĩ ơn thần, trứ phong là Trinh uyển Dực bảo trung hưng tôn thần, chuẩn cho dân thôn được phép phụng thờ. Ngõ hầu thần hãy ra ơn phù giúp bảo vệ lê dân ta. Kính cẩn thay!
Ngày 18 tháng 3 năm Khải Định thứ 2 (1917).
Vì Thần Long Hồ Ngọc nữ đã linh ứng bảo hộ, che chở nhân dân, nên đến năm Khải Định thứ 9 (1924) tiếp tục được ban cấp sắc phong và gia tặng là Trai tĩnh Trung đẳng thần.
Nguyên văn chữ Hán bản săc phong năm Khải Định thứ 9 (1924):
敕河靜省香山縣陽齋社安仝村從前奉事原贈貞婉翊保中興龍湖玉女節烈靈應尊神護國庇民稔著靈應節蒙頒給敕封準許奉事肆今正值朕四旬大慶節經頒寶詔覃恩禮隆登秩著加贈齋靜中等神特準奉事用誌國慶而伸祀典欽哉
啟定玖年柒月貳拾五日
Phiên âm: Sắc Hà Tĩnh tỉnh, Hương Sơn huyện, Dương Trai xã, An/Yên Đồng thôn, tòng tiền phụng sự nguyên tặng Trinh uyển Dực bảo trung hưng Long hồ Ngọc nữ Tiết liệt Linh ứng tôn thần, hộ quốc tý dân, nẫm trứ linh ứng, tiết mông ban cấp sắc phong, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim chính trị trẫm tứ tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật, trứ gia tặng Trai tĩnh Trung đẳng thần, đặc chuẩn phụng sự, dụng chí quốc khánh nhi thân tự điển. Khâm tai!
Khải Định cửu niên, thất nguyệt, nhị thập ngũ nhật.
Dịch nghĩa: Ban sắc cho thôn An/Yên Đồng xã Dương Trai huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh, từ trước đã phụng thờ vị thần vốn được phong tặng là Trinh uyển Dực bảo trung hưng Long hồ Ngọc nữ Tiết liệt Linh ứng tôn thần, bảo hộ đất nước che chở nhân dân, từ lâu đã tỏ rõ linh ứng, đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Bèn nay đúng dịp đại lễ tứ tuần của trẫm, đã ra chiếu báu ơn sâu, lễ thăng tước trật, gia tặng là Trai tĩnh Trung đẳng thần, đặc chuẩn cho phụng thờ để ghi nhớ ngày quốc khánh và nối dài tự điển. Kính cẩn thay!
Ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924).
Các hiện vật còn lưu giữ nhà thờ họ Lê Văn đã khẳng định những đóng góp quan trọng và tấm lòng bác ái của Lê Văn Hoa và Lê Thị Kế đối với nhân dân trong những thời điểm thiên tai, dịch bệnh, mất mùa đói kém. Ông và con gái đã để lại cho dòng họ và quê hương một di sản tinh thần quý báu đó là tấm lòng nhân hậu, yêu thương người nghèo khó và trách nhiệm đối với quê hương đất nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Đinh Xuân Lâm-Thái Kim Đỉnh – Địa chí Hương Sơn (NXB Lao động – năm 2015)
2. Hà Văn Thư- Trần Hồng Đức: Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam ( NXB Văn hóa, Thông tin – Năm 2015);
3. Tiến sỹ Lê Quang Chắn (Viện sử học): Tạp chí nghiên cứu Lịch sử - số 8 năm 2017 “Tình hình thiên tai ở Việt Nam giai đoạn 1802-1883 và chính sách cứu trợ xã hội của triều Nguyễn”;
4. TS. Nguyễn Đình Chiến –Trương Văn Thắng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia): Tiền thưởng triều Nguyễn;
5. Bản Gia phổ họ đại tôn Lê Văn xã Sơn Châu và chi họ Lê Văn xóm Long Hội, xã Sơn Bình, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (Hán Nôm và quốc ngữ).