Đến xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh hỏi về gia đình Cựu chiến binh Trần Văn Tuyển, thì không ai không biết đến anh bởi anh không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội ở địa phương và của Hội Cựu chiến binh đề ra.
Cựu chiến binh Trần Văn Tuyển (sinh năm 1966), xuất thân trong một gia đình có đông anh chị em tại thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Năm 19 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh lên đường nhập ngũ vào Quân đội, huấn luyện tại Sư đoàn 441 (Quân khu 4). Hết thời gian huấn luyện tân binh, anh được biên chế vào đơn vị Đại đội 115, Trung đoàn 728, Sư đoàn 314 (Quân khu 2). Năm 1988 anh xuất ngũ, trở về địa phương làm ăn sinh sống. Ba năm sau, anh Tuyển kết duyên cùng với chị Trần Thị Thắm là người cùng xã nên nghĩa vợ chồng.
Sau một thời gian xây dựng gia đình, vợ chồng anh Tuyển quyết định xin bố mẹ cho ra ở riêng, rồi dựng một ngôi nhà tạm bên sườn đồi để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình (vì ông bà đông con). Vợ chồng son bước đầu kinh tế còn hết sức khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề. Phát huy truyền thống, bản chất Bộ đội Cụ Hồ và tình yêu quê hương cùng với nhiệt huyết của người quân nhân từng được học tập và rèn luyện trong môi trường quân đội, anh thường xuyên động viên vợ con xác định tư tưởng “vượt khó” chịu đựng “lam lũ” kiên trì, đề ra kế hoạch phát triển kinh tế (lấy ngắn nuôi dài) nuôi khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương.
Cuộc sống vợ chồng anh Tuyển và chị Thắm trở nên hạnh phúc hơn khi cả ba đứa con (hai trai, một gái) lần lượt cất tiếng chào đời trong niềm vui hân hoan. Đây chính là động lực lớn lao đối với vợ chồng anh Tuyển sau bao nhiêu năm chung sống bên nhau, cùng nhau xây dựng hạnh phúc tương lai. Đến nay, cả ba người con của vợ chồng anh Tuyển, chị Thắm ngày càng khôn lớn, trưởng thành và có việc làm ổn định.
Năm 1995, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chương trình “phủ xanh đất trống, đồi núi trọc”, vợ chồng anh Tuyển, chị Thắm đã mạnh dạn nhận 26,5ha đất trồng rừng và khoanh nuôi tại thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm.
Kể từ đây, vợ chồng anh bắt tay vào cuộc sống lập nghiệp bằng nghề “trồng cây, gây rừng”. Thời điểm này đất rừng còn rất nhiều, mặc dù cán bộ huyện và xã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động người dân nhận khoán rừng nhưng rất ít người tham gia nhận khoán rừng, họ nói “bám vào rừng thì làm gì ra để mà ăn!".
Trải qua gần 20 năm làm nghề trồng rừng biết bao gian nan, vất vả, miệt mài bám đất, bám rừng. Trời nắng cũng như trời mưa, cứ ngày hai buổi cơm đùm, cơm gói, cuốc xẻng sờn vai, làn da sạm nắng, vợ chồng anh cùng nhau trèo đèo, lội suối làm đất trồng rừng. Buổi đầu khó khăn, gian khổ, thiếu thốn kinh nghiệm, nguồn kinh phí hạn hẹp phải vay mượn anh em, họ hàng để có tiền mua sắm cây giống, phân bón, tiền thuê mướn công nhân trồng rừng, làm cỏ. Việc này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho 6 đến 8 lao động nhàn rỗi tại địa phương, có thu nhập từ 8 đến 9 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, hơn 11ha rừng keo của vợ chồng anh Trần Văn Tuyển đã cho thu hoạch được 3 lứa keo; mỗi lứa thu hoạch được 8ha keo sản phẩm, mỗi ha bán với giá 80 triệu đồng tại rừng cho lái buôn tự khai thác, mỗi lứa cách nhau 5 đến 6 năm. Như vậy, thành quả lao động trồng keo lấy gỗ trải qua hàng chục năm qua của vợ chồng CCB Trần Văn Tuyển đã cho thu nhập với số tiền lên đến gần 2 tỷ đồng, là số tiền không hề nhỏ đối với một gia đình hội viên Hội CCB thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.
Song song với việc trồng keo lấy gỗ, tận dụng tiềm năng lợi thế về diện tích đất rừng sẵn có của gia đình, CCB Trần Văn Tuyển luôn động viên vợ con tranh thủ thời gian để tăng gia sản xuất thêm nhiều lúa, khoai, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nuôi đàn trâu, bò, gồm 10 con, mỗi năm thu 60 triệu đồng từ bán nghé; đàn gà khoảng 150 con, mỗi năm bán 2 lứa, thu về 75 triệu đồng; ngoài ra anh Tuyển còn nuôi một đàn ong gồm 30 tổ, thu hoạch mỗi năm 3 tạ mật ong, thu về 45 triệu đồng.
Đặc biệt, hiện nay gia đình CCB Trần Văn Tuyển đang mạnh dạn trồng thử nghiệm 2ha đất “cà gai leo” là loại dược liệu quý. Đây là mô hình dược liệu có sự giúp đỡ của Hội CCB xã tham gia. Mỗi năm, gia đình CCB Trần Văn Tuyển có thu nhập khoảng 420 triệu đồng từ nguồn dược liệu cà gai leo. Chỉ tính riêng nguồn thu nhập các khoản trong một năm (chưa tính tiền thu nhập keo) thì gia đình hội viên CCB thôn Lâm Khê, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn sẽ cầm chắc trong tay số tiền khoảng 600 triệu đồng. Từ đây, vợ chồng CCB Trần Văn Tuyển có điều kiện xây nhà kiên cố, mua sắm các trang thiết bị nội thất đắt tiền, cuộc sống sinh hoạt ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Hữu Tạo, Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh cho biết: “Ngoài làm kinh tế giỏi, CCB Trần Văn Tuyển còn tích cực tham gia các hoạt động xây dựng nông thôn mới, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của các cấp Hội đề ra.